Báo Công lý trích Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong năm học 2018 - 2019, Bộ đã ký kết 21 văn bản hợp tác với nước ngoài, trong đó 6 cấp Chính phủ, 15 cấp bộ, tăng đáng kể so với năm học 2017 - 2018 là 16 văn bản gồm 3 cấp Chính phủ và 13 cấp bộ.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã tạo điều kiện cho các trường Đại học có uy tín nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam, tăng cường các hoạt động đầu tư, hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo. Hiện nay, cả nước có tổng số 455 dự án FDI thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên tổng số 27.353 dự án đầu tư nước ngoài của 19 ngành kinh tế.
Số lượng lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài theo các chương trình học bổng hiệp định, đề án của Chính phủ và được Bộ GD-ĐT quản lý là 6.067. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận 287 lưu học sinh về nước công tác gồm 156 tiến sĩ, 53 thạc sĩ, 76 ĐH, 2 thực tập sinh.
Biểu đồ số liệu lưu học sinh ở nước ngoài trong năm học 2018 - 2019 - Nguồn: Người Lao động |
Báo Tiền Phong đưa tin, tại Việt Nam hiện cũng có gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài theo học các chương trình thuộc trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh. Trong số đó có khoảng 4000 lưu học sinh theo diện Hiệp định Chính phủ.
Hiện nay, một số địa phương đã mở rộng dạy chương trình song ngữ tại các trường phổ thông; hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tiếp tục được mở rộng ở nhiều cơ sở giáo dục.
Cả nước hiện có gần 550 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài giữa 85 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 258 cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, hoạt động hội nhập được diễn ra mạnh mẽ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi các địa phương nông thôn, vùng núi còn khó khăn vẫn vắng bóng.
Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng các quy định về liên kết đào tạo; cơ cấu ngành nghề đào tạo trong liên kết đào tạo bị mất cân đối.