Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 63 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó, số tài khoản facebook là 48 triệu. Trẻ em – đối tượng dễ bị xâm hại trên môi trường mạng đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng này lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet.
Thống kê của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho thấy, phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet, chiếm tới 68%, chỉ có 11% học từ nhà trường nhưng hầu hết các trường học cũng mới chỉ dạy kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Trong khi đó, mỗi ngày, có hơn 720 nghìn hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. Đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, hiện chưa có số liệu chính thức về mức độ phổ biến và quy mô xâm hại trẻ em trên mạng nhưng đã xuất hiện nhiều phương thức, cũng như thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em qua mạng internet, như: Thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy; tổ chức buổi offline thành viên tại nhà riêng, quán game hay lợi dụng các mạng xã hội, phòng chat ảo, game online... để làm quen, tiếp cận với các em, sau đó dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí là ép buộc để thực hiện hành vi xâm hại...
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, trong những năm gần đây, Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp và người lao động rất quan tâm đến vấn đề cách mạng công nghiệp thế hệ thứ 4 hay còn gọi là cách mạng 4.0 trong đó có vấn đề liên quan đến công nghệ số. “Nhiều người vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Nhưng những tác động từ mạng xã hội lại hoàn toàn thật, như: Các tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em từ mạng xã hội gây nên”. Cũng theo ông Nam, cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng đang đặt ra nhiều vấn đề khá cấp bách hiện nay. Trẻ em hiện nay được tiếp cận sớm với công nghệ và công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng nên nhiều bậc phụ huynh gặp khó trong việc giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng. “Phụ huynh chụp hình ảnh con em mình và lưu giữ làm kỷ niệm thì không sao. Nhưng khi đăng những hình ảnh này lên mạng xã hội thì cần cân nhắc xem điều này đã vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay chưa?” - ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, theo ông Nguyễn Sơn Tùng, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, có hai giải pháp đó là: Quản lý Nhà nước và dành cho gia đình. Ông Tùng cho biết, từ những hoạt động của trẻ em trên mạng như giao tiếp qua nhắn tin, gọi điện, email, chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số trên youtube, livestream; sử dụng mạng xã hội facebook, twitter... có những giải pháp để cha mẹ có thể bảo vệ con em mình, chẳng hạn: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được như chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối internet ở phòng ngủ của cha mẹ để theo dõi hoạt động trên mạng của các con. Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ trên trình duyệt web; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm nhằm loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ; cài đặt một số công cụ nhằm lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp...