Nhiều cơ quan, đơn vị đã tìm cách liên lạc nhưng không được, trong khi đó nhiều chủ nợ, ngân hàng đến tận cơ quan để đòi nợ. Sự việc này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan Nhà nước.
Thi thoảng lại có người đến đòi nợ
Ngày 25/2, ông Đỗ Duy Nhật - Phó chánh Văn phòng phụ trách Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho biết, đã dùng nhiều hình thức liên lạc với người thân, gia đình nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ ông Hồ Quang Thi (SN 1979, chuyên viên văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai).
Theo tìm hiểu, trước đây, ông Thi làm kế toán, tuy nhiên sau khi có nhiều người đến cơ quan đòi nợ, từ khoảng tháng 10/2017, đã bị luân chuyển qua làm chuyên viên văn phòng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12/2017 đến nay, ông Thi không đến cơ quan để làm việc.
“Cứ thi thoảng lại có người đến Sở Nội vụ tìm ông Thi đòi nợ. Các giấy báo nợ của một số ngân hàng cũng gửi về Sở Nội vụ cho ông Thi, có nơi 15 triệu, có nơi hơn 50 triệu. Còn thông tin ông Thi vay số tiền hơn 20 tỷ đồng ở ngoài xã hội để chơi bóng đá, cờ bạc thì tôi không biết, đây là việc cá nhân.
Ông Thi là nhân sự ở cơ quan, tôi chỉ có trách nhiệm thông báo đi làm”, ông Nhật nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ông Thi đã ly dị vợ, bán nhà. Người thân không rõ tung tích và cũng không biết ông Thi làm gì mà nợ nhiều vậy.
“Chúng tôi đã 5 lần đưa giấy mời đề nghị ông Thi đến cơ quan trình diện nhưng không nhận được phản hồi. Hiện tại, chúng tôi đang làm các thủ tục buộc thôi việc ông Thi theo quy trình”, ông Nhật cho biết.
Cũng tại Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, bà Trần Thị Bích Hà (SN 1976, công chức thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai) xin nghỉ làm đi chữa bệnh từ ngày 29/1 đến nay không đến cơ quan làm việc.
Ông Trần Tiến Đức - Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, cho biết: “Bà Hà xin nghỉ đi chữa bệnh tại Hà Nội, tuy nhiên đến nay đã quá ngày nghỉ nhưng không đến làm việc.
Tôi và anh em cơ quan gọi điện nhiều lần nhưng không nghe máy. Sắp tới, cơ quan sẽ ra thông báo thi hành quyết định kỷ luật gửi gia đình bà Hà và những nơi có liên quan.
Sau đó, cơ quan họp hội đồng kỷ luật, thông báo kỷ luật, nếu mời 3 lần nữa mà bà Hà vẫn không đến sẽ buộc thôi việc”. Cũng liên quan đến việc bỏ nhiệm sở không lý do, bà Nguyễn Thị Việt Hà (công chức tại Chi cục Thi hành án TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) có đơn xin nghỉ việc hơn 15 ngày nhưng không đến cơ quan trình bày lý do.
Bà Hà trước đây công tác tại Cục Thi hành án tỉnh Gia Lai, gần đây được điều chuyển xuống Chi cục Thi hành án TP.Pleiku.
Ông Đào Trọng Giáp - Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Gia Lai, cho biết: “Tôi đã giao cho Phòng Tổ chức phải mời cho được bà Hà về, trực tiếp gặp cục trưởng để thông báo lý do xin thôi việc, nhưng giờ vẫn chưa liên hệ được với bà Hà”.
Trước thông tin bà Hà nợ nần, vay nóng vướng đến cán bộ trong ngành, Cục Thi hành án tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 150/CTHADS-TCCB đề nghị Chi cục Thi hành án TP.Pleiku báo cáo tình hình.
“Tôi đã yêu cầu Chi cục Thi hành án TP Pleiku báo cáo công tác bàn giao tiền và tài sản thuộc trách nhiệm của bà Hà vì bà Hà là cán bộ văn thư lưu trữ. Còn việc bà Hà nợ nần, vay nóng bên ngoài, tôi đang chờ Chi cục Thi hành án TP.Pleiku báo cáo”, ông Giáp cho biết.
Ảnh hưởng xấu đến cơ quan Nhà nước
Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ít nhất 3 cán bộ ở tỉnh Gia Lai đã “mất liên lạc”. Trong đó, có 2 trường hợp bước đầu xác định là do nợ nần, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín cơ quan nhà nước.
Tình trạng vỡ nợ trong cán bộ, công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước không phải là ít, chỉ là chưa có con số thống kê chính thức. Những thông tin bên lề khi cán bộ A., công chức X. vì thiếu nợ mà phải bỏ trốn, hay bị chủ nợ xông vô tới cơ quan tìm, đòi nợ không phải là hiếm. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại tình trạng vay mượn nợ, rồi hùn vốn, chơi hụi trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể là khá nhiều. Việc làm này không vi phạm pháp luật, đó là những thỏa thuận dân sự giữa các cá nhân với nhau, không trái pháp luật, không trái đạo đức, thuần phong mỹ tục thì không bị ngăn cấm.
Tuy nhiên, từ những dây hụi, những tổ hùn vốn, những hợp đồng cho vay mượn nợ với nhau, không ít cán bộ, công chức sa đà vào nó, dẫn đến mất khả năng thanh toán, nợ nần chồng chất. Càng thiếu nợ, càng tham gia nhiều tổ hùn vốn, chơi nhiều dây hụi để mong hốt được hụi, lấy được tiền xoay sở.
Không có tiền đóng hụi, lại chuyển sang vay nợ để đóng hụi. Bù bên này, lấp bên kia, đến khi không còn khả năng thanh toán thì số nợ đôi khi lên vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Với tình trạng hiện nay, ngay cả thủ trưởng cơ quan, đơn vị cũng rất khó để nắm bắt được khi cấp dưới của mình đầu tư, làm ăn, kiếm thu nhập thêm bằng cách nào, chân chính hay bất chính, được phép hay không được phép…
Chỉ đến khi vụ việc bị đổ bể, gia đình tan nát, thậm chí dính đến tội phạm hay bị người ngoài đến cơ quan thông báo, đòi nợ thì đã muộn. Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước, đặc biệt ở các cơ quan tổ chức thuộc khối mặt trận, đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp nên có hình thức quản lý, tuyên truyền, xiết chặt hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức đơn vị mình. Đừng để đến khi xảy ra chuyện, vừa mất uy tín của tổ chức, đơn vị, vừa mất luôn cán bộ vì bị xử lý kỷ luật, thậm chí là buộc thôi việc.
Theo Phapluatplus