Già làng Khánh Sơn giữ nếp văn hóa truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngược lên vùng núi cao Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, sáng sớm mây trắng giăng kín buôn làng. Khi khói bếp bắt đầu tỏa lên cao cũng là lúc những già làng nơi đây bắt đầu công việc thường nhật là chế tác những dụng cụ phục vụ cho cuộc sống của cộng đồng. Đặc biệt hơn cả là tạo ra những cây đàn Chapi, sáo, khèn bầu - nhạc cụ đặc trưng của người đồng bào Raglai.
Già làng Khánh Sơn giữ nếp văn hóa truyền thống

Khánh Sơn tháng 8, mùa của quả chín. Năm nay, những tiếng cười rộn vang giữa mùa vụ cây trái được mùa, được giá, những già làng như ông Mấu Xuân Điệp (sinh năm 1953), trú tại thôn Tà Nịa, xã Sơn Trung bán "đắt hàng" những cây đàn Chapi do mình tạo ra.

Già làng Điệp kể, trước kia việc mua bán các mặt hàng truyền thống thủ công khá chậm. Gùi, nia, thúng... làm xong chỉ bán cho bà con ở buôn làng. Đến nay, du khách biết đến nhiều hơn nhờ lễ hội nông sản trái cây. Do đó, các sản phẩm thủ công của ông được biết đến cũng bán chạy hơn. Già làng như ông và nhiều người trẻ khác cũng có việc làm thường xuyên.

Vừa chỉnh âm cho cây đàn Chapi, già làng Điệp cho biết, hiện xã Sơn Trung còn 3 già làng làm nghề đan lát và làm nhạc cụ. Ông biết làm đàn Chapi từ tuổi thanh niên. Đàn Chapi phải được làm từ lồ ô không quá già, khi cắt từng đốt, phải phơi khô đúng độ. Khi chế tác đàn phải tạo lỗ trên thân ống và từ thân đàn nạy từng đường thẳng để tạo thành dây dàn - dây âm thanh không được để đứt gãy, phải đảm bảo các dây phải đều... Già làng Điệp cho biết loại nhạc cụ này rất dễ làm nếu chịu khó quan sát, thực hành và kiên nhẫn thực hiện. Đặc biệt đối với người đồng bào Raglai khi đã yêu thích âm thanh từ nhạc cụ này, họ sẽ tự mày mò làm và làm rất nhanh.

Sau hồi trầm ngâm, ông Điệp khẳng định, đàn Chapi xưa kia là món ăn tinh thần không thể thiếu, hầu như nhà nào cũng có đàn và biết chơi đàn. Thế hệ trước, người đồng bào Raglai say mê, rồi tự học làm đàn Chapi. Chapi như một cầu nối, gắn kết bao thế hệ trong gia đình, buôn làng với nhau, là gạch nối giữa quá khứ - hiện tại, lưu giữ nếp sống văn hóa xưa của đồng bào và phát huy giá trị đó cho đến ngày nay.

Các sản phẩm như đàn Chapi cũng có giá trị cao (từ 400 nghìn đồng trở lên) góp phần tạo sinh kế hiệu quả cho người dân, nhất là trong bối cảnh Khánh Sơn thường xuyên có khách du lịch đến trải nghiệm văn hóa núi rừng của người đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày nay già làng Điệp và những người lớn tuổi có nghề rất mong muốn giữ gìn nghề, đặc biệt là truyền lại cho thế hệ trẻ. Chapi không đơn thuần là một loại nhạc cụ mà còn chứa đựng cốt cách, văn hóa của cộng đồng người Raglai. Vì thế mà bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến với những giai điệu: “Một mái tranh nghèo/ Một nhà sàn yên vui/ Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình/ Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/ Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglay”… vẫn còn sống mãi theo thời gian, là bài hát mà khi giới thiệu về đàn Chapi cho du khách, ông Điệp luôn hát và đàn cùng lúc để du khách thưởng thức.

Còn nghệ nhân Mấu Hồng Thái, năm nay đã ngoài 80 tuổi, vẫn còn rất minh mẫn, vừa đan gùi vừa thuyết minh công dụng. Ông cho biết, sản phẩm này rất chắc chắn, bà con mang mấy chục ký măng, thóc, ngô từ rẫy trên núi cao xuống cũng không hỏng, mang êm vai hơn hẳn đồ nhựa. Những vật dụng như gùi, nia, thúng của người đồng bào sử dụng hiện giờ đều là các mặt hàng thủ công, độ bền chắc rất cao, dẫu giá thành bán ra còn thấp. Tuy vậy, làm các mặt hàng truyền thống như một cách ông Thái giữ nét văn hóa độc đáo của riêng người đồng bào Raglai từ ngày xưa cho đến hiện tại.

Để tránh mai một nghề truyền thống, nét đẹp của người đồng bào Raglai, những năm qua, UBND huyện Khánh Sơn mở nhiều lớp dạy nghề. Nghệ nhân Mấu Hồng Thái là một trong số những người đứng lớp giảng dạy, truyền nghề. Nghệ nhân xúc động cho biết, đầu năm đến giờ, ông đã dạy 12 người làm đan lát và đàn Chapi, cả 12 người ra nghề đều làm được sản phẩm và bán có hiệu quả.

“Tôi dạy bằng tâm, bằng sức, không dạy qua loa được. Tre già, măng mọc lên phải chất lượng mới duy trì được giá trị cốt lõi của người đồng bào mình. Duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa cho dân tộc để xứng đáng với những người đã truyền dạy nghề cho tôi trước đó”, ông Mấu Hồng Thái tâm tư.

Ông Thái mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để duy trì và thường xuyên mở các lớp dạy nghề truyền thống, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. "Hơn hết, làm nghề truyền thống chính là một cách giữ gìn nếp văn hóa, phát huy giá trị dân tộc", ông Thái chia sẻ.

Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, già làng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có đôi tay khéo léo, kỹ thuật đan lát lành nghề và mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong Chương trình Lễ hội trái cây lần III được huyện tổ chức hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội thi Già làng khéo tay là nơi không chỉ để các già làng trình diễn tài năng, còn là dịp để giới trẻ học hỏi và kế thừa những kỹ năng thủ công truyền thống của ông bà, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc.

Với nguyên liệu chủ yếu là mây tre, các già làng đã làm ra những dụng cụ phục vụ cho cuộc sống, sản xuất như: gùi lớn, gùi nhỏ, nia, mẹt, ná, nỏ… và nhạc cụ như đàn Chapi, sáo... Với những sản phẩm này, không chỉ phục vụ cho đời sống nhân dân, còn là những món quà lưu niệm đễ bán, giúp du khách có thể hiểu thêm về nét văn hóa, những hoạt động gắn với đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

Các em nhỏ, cùng phụ huynh hào hứng tham gia buổi làm bánh Trung thu.
Vừa học làm bánh Trung thu, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ
(Ngày Nay) - Tết Trung thu 2024 diễn ra trong những ngày miền Bắc gồng mình khắc phục cơn bão số 3. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, trường học đã chuyển số tiền tổ chức Tết Trung thu sang từ thiện vùng lũ. Nhưng cũng có nơi vừa tổ chức buổi làm bánh Trung thu cho trẻ trải nghiệm, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ bằng việc làm thiết thực.
Nhóm nhạc BTS tại Lễ khởi động sáng kiến "Love Myself" của UNICEF tại Hàn Quốc. Ảnh: UNICEF
Gặp gỡ fan BTS đứng sau blog gây quỹ được gần 1 tỷ đồng ủng hộ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
(Ngày Nay) - Trong những ngày qua, cộng đồng fan nhóm nhạc BTS tại Việt Nam (V-ARMY) đã một lần nữa chứng minh sức mạnh của tình yêu và sự đoàn kết. Chiến dịch quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ nhiều blog, fanpage đã thành công ngoài mong đợi khi con số tổng cộng vượt 1,2 tỷ đồng.
Ngày mai ở Làng Nủ
Ngày mai ở Làng Nủ
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3.
Tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có thể giảm do bão số 3
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Bộ trưởng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có khoảng 1.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh được khám tầm soát miễn phí bệnh lý về thận tại chương trình.
Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
(Ngày Nay) - Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.