Trong bối cảnh xăng tăng, điện, nước tăng, "đầu vào" sản xuất sách giáo khoa cũng tăng thì chuyện sách giáo khoa tăng giá là điều có thể nhìn thấy trước. Nhưng sách giáo khoa (SGK) luôn là một mặt hàng đặc biệt, bởi hơn 15 triệu học sinh cả nước phải dùng, vì thế, theo nhiều chuyên gia, giá sách cần phải được quản lý một cách đặc biệt để cả đôi bên - sản xuất và sử dụng đều chấp nhận được.
_____________________
Kể từ năm học 2020 - 2021, sách giáo khoa (SGK) cũng như việc dạy và học được thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục không còn độc quyền xuất bản SGK; SGK là một mặt hàng trong cơ chế thị trường.Sách tự nhiên biến thành một sản phẩm thương mại, các đơn vị thỏa sức cạnh tranh về giá.
Tất nhiên chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” không sai, đây là xu hướng tiến bộ của nhiều quốc gia trên thế giới.Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học và hoạt động trải nghiệm.Trong đó, chương trình chính là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, chỉ có tính hướng dẫn. Vì vậy, “linh hồn” của cuộc đổi mới dạy và học là tập trung vào cách tiếp cận nội dung, phương pháp giảng dạy và cách đánh giá năng lực học sinh để hướng tới phát triển năng lực người học, chú trọng việc học sinh học như thế nào. Với chủ trương này, các nhà xuất bản được phép xuất bản nhiều bộ sách để học sinh và giáo viên có nhiều lựa chọn.
Hiện có 3 bộ sách giáo khoa được biên soạn và được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đó là bộ Cánh diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Ba bộ sách giáo khoa này được biên soạn dựa trên chương trình với những mục tiêu cụ thể là giúp học sinh phát huy năng lực tự chủ và tự học suốt đời, trong đó chú trọng đến năng lực chung và các năng lực đặc thù của học sinh.
Trong năm học 2022 - 2023, giá các bộ SGK mới mà mỗi em học sinh lớp 3 được lựa chọn bao gồm: Bộ Cánh diều 220.000 đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống 183.000 đồng, bộ Chân trời sáng tạo 190.000 đồng.
Với học sinh lớp 10, giá các bộ sách lần lượt là: Bộ Cánh diều 476.000 đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống 436.000 đồng, bộ Chân trời sáng tạo 480.000 đồng. Giá sách được công khai đăng tải trên các wesite của các nhà xuất bản, điều này cho thấy có sự cạnh tranh về giá giữa các nhà xuất bản.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới tăng rõ rệt. Trong đó, một nguyên nhân mà Bộ GD-ĐT và các nhà xuất bản không nói đến là có thêm quá nhiều đầu sách bắt buộc so với chương trình cũ. Đó là việc các nhà xuất bản xé lẻ bộ sách thành nhiều cuốn. Đơn cử, bộ sách giáo khoa lớp 10 năm học tới dạy theo mô hình các tổ hợp môn học, chuyên đề lựa chọn nên được các nhà xuất bản chia nhỏ, phát hành sách không theo môn học mà theo chuyên đề. Có nghĩa là, một môn học có thể có rất nhiều sách giáo khoa khác nhau. Chỉ nhìn vào bộ sách lớp 3, nếu năm học này học sinh chỉ phải mua 6 cuốn bắt buộc gồm 2 cuốn tiếng Việt (tập 1 và tập 2), Toán, Tự nhiên xã hội, Tập viết thì từ năm tới, mỗi học sinh sẽ phải mua ít nhất 14 cuốn, trong đó có 8 cuốn mới là: Đạo đức, Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động thể chất.
Học thì phải cần sách giáo khoa nhưng không phải bộ môn nào cũng bắt buộc phải mua sách. Những môn học như giáo dục thể chất chỉ cần một giáo án dành cho giáo viên thôi là đủ, bởi đặc trưng môn học là thực hành, không phải bộ môn lý thuyết. Học sinh cần được hướng dẫn thực hành chứ không phải ngồi đọc sách.
- Chị Hoàng Ly -
Một trong những lý do tăng giá sách nữa là môn học Giáo dục thể chất vốn xưa nay không có giáo trình thì nay đã được trang bị đầy đủ. Riêng môn giáo dục thể chất lớp 10 có tới 4 sách giáo khoa ứng với 4 chuyên đề: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…Cuốn sách giáo khoa giáo dục thể chất đã gây không ít phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh về sự không cần thiết và lãng phí tiền của. “Học thì phải cần sách giáo khoa nhưng không phải bộ môn nào cũng bắt buộc phải mua sách. Những môn học như giáo dục thể chất chỉ cần một giáo án dành cho giáo viên thôi là đủ, bởi đặc trưng môn học là thực hành, không phải bộ môn lý thuyết. Học sinh cần được hướng dẫn thực hành chứ không phải ngồi đọc sách” – chị Hoàng Ly, một phụ huynh quận Đống Đa bức xúc viết trên trang Facebook cá nhân.
Giá sách tăng cao chính xác ở con số nào thì chưa có ai tính cụ thể được, bởi tất cả các nhà xuất bản SGK không công bố giá sách tiếng Anh. Giá sách tiếng Anh bao giờ cũng cao hơn hẳn các loại sách khác.
Thời điểm kỳ họp Quốc hội thứ 3, Quốc hội khoá XV diễn ra đầu tháng 6/2022 trùng với thời gian năm học cũ kết thúc, học sinh chào đón một mùa hè thoải mái để sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới. Do đó, câu chuyện sách giáo khoa trở thành đề tài nóng hơn bao giờ hết.
Từ năm học 2020 - 2021, các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra những bất ổn về giá SGK và nguyên nhân, nhiều tờ báo cũng đã “mổ xẻ” nguyên nhân và tình trạng bất hợp lý trong việc điều chỉnh giá sách. Ba năm trước, Ủy ban Văn hóa, giáo dục đã có giám sát, báo cáo gửi đến các bộ ngành về vấn đề sách giáo khoa, trong đó, có nêu rõ giá cao. Qua đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng cường quản lý giá sách.Nhưng đến nay, vấn đề giá sách giáo khoa bất hợp lý vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho rằng, giá SGK cao là đúng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khổ sách to, in ấn đẹp, chất liệu giấy tốt. Tuy nhiên, giá cao trong thời điểm cả nước vừa trải qua đại dịch COVID-19 lại bất hợp lý, bởi nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình.
Theo ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM), việc đột ngột tăng giá sách gấp 2 - 3 lần sẽ tạo ra sức ép về chi phí cho nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, công nhân, lao động tự do. Theo bà, ngành giáo dục cần phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị để nắm thực tế, đề xuất chính sách hỗ trợ cho những nhóm đối tượng cụ thể. Nếu cần, Chính phủ có thể trợ giá SGK cho các đối tượng trên.
ĐBQH Trần Văn Thức (tỉnh Thanh Hóa) cũng đề nghị cân nhắc về giá để chia sẻ khó khăn chung của người dân cả nước khi họ vừa trải qua đợt dịch COVID-19 dai dẳng và gây nhiều trở ngại kinh tế cho các gia đình.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, trong quá trình giám sát, bà nhận thấy HS phải dùng quá nhiều đầu sách. Những bộ môn như giáo dục kỹ năng sống không cần SGK nhưng vẫn có SGK. Điều này gây tốn kém, lãng phí. Bà đề nghị cần giảm bớt số đầu sách, đồng thời khuyến khích việc xuất bản các loại sách số (ứng dụng công nghệ thông tin).
Giá sách giáo khoa đã làm nóng nghị trường suốt nhiều ngày của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Sắp tới Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội. Người dân vẫn đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo một câu trả lời thỏa đáng, chờ các nhà xuất bản đưa ra các mức giá sách giáo khoa thỏa đáng hơn để 15 triệu học sinh có thể đến yên tâm đến trường.
Bài: Minh Lâm
Thiết kế: Mẫn San