Trong lúc cả Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang quay cuồng vì dịch Covid -19, một bộ phim cũ về dịch bệnh bỗng được chia sẻ lại rầm rộ, đó là phim Deranged (Ký Sinh Trùng) ra mắt năm 2012.
Deranged là phim "bom tấn" về bệnh dịch đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc.
Deranged xoay quanh câu chuyện về một loại ký sinh trùng liên tục biến đổi có tên gọi “Yeongasi” hay “trùng lông ngựa”.
Khi “trùng lông ngựa” xuất hiện đột ngột khiến số người chết tăng vọt và khó kiểm soát, cơ quan chức năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì không tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Điều đáng nói, trong bối cảnh Yeongasi gây chết chóc, hỗn loạn thì một loại thuốc điều trị được tung ra thị trường với giá "cắt cổ”. Thậm chí người dân phải tranh cướp nhau để có được loại dược phẩm này.
Khi xem phim, không ít người sẽ nghĩ, Ký sinh trùng đơn giản là để nhắc tới loại sinh vật nhỏ bé sống ký sinh trong vật chủ, sau đó hút máu, phá hủy chính vật chủ của mình. Nhưng chắc chắn ý nghĩa của một bộ phim được hàng triệu người đón nhận sâu sắc hơn nhiều.
Nội dung của phim Deranged đang có những tình tiết rất giống câu chuyện đang diễn ra ngoài đời thực.
Vừa qua, một loại thực phẩm chức năng có tên Kovir được cơ quan chức đưa vào danh sách thuốc y học cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid. Danh sách này sau đó được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, giữa lúc dịch bệnh Covid hoành hành dữ dội.
Người dân đang hoang mang, lo lắng vì dịch bệnh Covid – 19 đã khấp khởi mừng thầm vì từ đây đã có sản phẩm Kovir giúp điều trị Covid.
Nhưng đời không như mơ mà lại như phim.
Những người nhớ dai đã tìm lại công văn ra ngày 14/9/2020 của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (VFA), theo đó Cục này đã phát đi thông báo cảnh báo với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir.
Công văn nêu rõ, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh Virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành để xác minh, xử lý theo quy định.
Thế nhưng, không hiểu việc xử lý của Cục An toàn Thực phẩm đã được tiến hành đến đâu thì ngày 24/6/2021, vẫn chính sản phẩm này lại được Cục Quản lý Y dược cổ truyền – Bộ Y tế lại ban hành công văn số 648/YDCT-QLY gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương; Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; Sở Y tế, Bệnh viện YHCT, Viện Y – Dược học dân tộc TP.HCM về việc sử dụng sản phẩm YHCT và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm YHCT trong phòng, nâng cao sức khoẻ, hỗ trợ điều trị COVID-19.
Nội dung công văn số 648 nêu rõ: “Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị căn cứ hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 ban hành kèm theo công văn này để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng cho người bệnh nhiễm vi – rút SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1)”.
Người dân phải hiểu 2 công văn này như thế nào? Một đơn vị chức năng (Cục An toàn thực phẩm) khuyến cáo, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19.
Một thời gian ngắn sau, đơn vị khác (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) cũng thuộc Bộ Y tế lại ra công văn khuyến nghị các đơn vị y tế đem dùng điều trị Covid.
Người dân ngơ ngác, F1, F0 ngơ ngác, còn Bộ Y tế đã nhanh chóng ra công văn 5967 thu hồi công văn 5944 . Lý do: Có nội dung chưa phù hợp.
Điều đáng nói, trước khi được đưa vào danh sách những sản phẩm thuốc đông y hỗ trợ điều trị Covid ít ngày, đơn vị sản xuất đã âm thầm tăng giá bán lên mức rất cao so với giai đoạn mới ra mắt.
Chuyện tăng giá “thuốc” Kovir có vẻ rất giống việc thổi giá thuốc tưởng như chỉ xuất hiện trong phim.
Nhiều người cho rằng, đây là câu chuyện trong đời thực nên thanh tra Bộ y tế và các cơ quan có chức năng điều tra khác cần sớm vào cuộc để sớm có câu trả lời rõ ràng cho người dân, công luận.
Không thể có chuyện thích thì ra công văn khuyến cáo nên dùng, để doanh nghiệp dựa vào đó tuyên bố, "nổ" ầm ĩ trên truyền thông, không thích thì thu hồi lại, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Cũng không thể có chuyện, một loại thực phẩm chức năng đã bị tuýt còi vì quảng cáo vống, sai sự thật lại nghiễm nhiên được một cơ quan khác đưa vào danh sách thuốc đông y hỗ trợ điều trị Covid. Và như vô tình, sản phẩm này bỗng nhiên tăng giá phi mã, lách qua các quy định không được tăng giá thuốc trong thời dịch bệnh một cách ngoạn mục.
Hành vi lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng vào sự lo lắng, bất an của người dân (nếu có) để trục lợi là vô đức và cần phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật.