Giấc mơ về nhà tái định cư được lòng dân

(Ngày Nay) - Thang máy bị hỏng liên tục, hệ thống PCCC không ai biết ở đâu, tường vôi ngấm nước mưa bong tróc, nước sinh hoạt lúc đục lúc trong... Nhắc đến nhà tái định cư (TĐC) là người ta nghĩ đến tiếng xấu vốn không mấy tốt đẹp. Đó là lý do vì sao mà những tòa nhà TĐC còn thơm mùi vôi ve bị từ chối thẳng thừng ngay giữa lòng Hà Nội hay TPHCM.
Giấc mơ về nhà tái định cư được lòng dân ảnh 1Hà Nội mỗi năm đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên đến nay, vẫn có hàng loạt khu tái định cư mới trên địa bàn Hà Nội như Sài Đồng (Long Biên, TP.Hà Nội), ở Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội)... bị người dân chối bỏ.

“Hàng đổi hàng”

Hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2009, với diện tích 56,4ha, khu TĐC Nam Trung Yên từng nổi tiếng là khu TĐC có diện tích lớn nhất trên địa bàn Thủ đô ngày đó với khoảng 20 tòa nhà đi vào sử dụng. Nhưng sự hoành tráng đó lại không đi liền với chất lượng cơ sở hạ tầng.

Khi thành phố có chủ trương lấy đất làm đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, gia đình bà Mỹ cùng hàng trăm hộ dân buộc phải chuyển về khu TĐC Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) để tạo dựng một cuộc sống mới. Từ quận Đống Đa, gia đình bà an cư ở nơi mới thuộc quận Cầu Giấy, cách nhà cũ vài cây số. Ngày mới chuyển về, tòa nhà B3A – khu ở mới của gia đình bà nằm trơ trọi cạnh đường vành đai 3 đường Phạm Hùng, hệ thống hạ tầng còn sơ sài và hoang sơ, cây xanh chưa kịp đâm chồi nảy lộc, xung quanh không trường học, không chợ, không hàng xóm. “Cuộc sống khác xa với những gì cả gia đình đang sinh hoạt” – bà Mỹ kể lại. Hơn chục năm trước, gia đình bà có một ngôi nhà khang trang rộng 43m2 - một cửa hiệu may ngay mặt phố Đê La Thành. Tiền đền bù vừa đủ mua nhà TĐC. Một ngôi nhà 43m2 đổi lấy một căn hộ 63m2. “Nếu cứ thực hiện chế độ “hàng đổi hàng”, thu một nhà và trả lại một căn khác nhưng chất lượng kém hơn thì chẳng người dân nào thích nhà TĐC” – bà Mỹ nói. Bà kể, cảm giác bỡ ngỡ, hụt hẫng ban đầu tưởng theo thời gian sẽ lấp đầy, khi hàng xóm láng giềng xung quanh sum họp đông vui, nhưng mãi đến giờ, bà vẫn không quen, cuộc sống TĐC có nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, nay mất nước, mai tường bong tróc…

Giấc mơ về nhà tái định cư được lòng dân ảnh 2Nhà tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ của người dân” - GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo một người dân tòa nhà B6B Nam Trung Yên, các hộ dân sống ở tòa nhà này đều là những hộ bị di dời từ dự án Văn Cao – Hồ Tây, nhưng số hộ được tái định cư thật sự sống gắn bó nơi này chỉ chiếm 30%, còn lại đã bán nhà cho người khác và chuyển đến nơi ở mới.

Cách Nam Trung Yên chừng vài cây số, tòa nhà N2A, khu tái định cư Trung Hòa -Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cũng chẳng được người dân mặn mà. Ông Lê Quý Hồng – nguyên tổ trưởng tổ 39, sống tại N2A đã chục năm kể lại, nhà ông ngày xưa ở phố Đê La Thành, từ một ngôi nhà khang trang trên phố, công việc kinh doanh ổn định, vợ chồng ông nhận một căn hộ nhỏ trên tầng 3 tòa nhà N2A để tái định cư. “Từ ngày chuyển về đây, lúc nào cũng đau đầu vì hạ tầng xuống cấp” – ông Hồng kể. Hệ thống thoát hiểm và phòng cháy chữa cháy ở một loạt dãy nhà N2 gần như tê liệt. Bình chữa cháy giờ chỉ làm đồ chơi trẻ em. Lối thoát hiểm bị chiếm dụng, một lối bị quây tôn xung quanh để nuôi chó, gà. Lối khác thành cửa hiệu photocopy. Sân phía trước khu nhà vốn là sân chơi giờ làm bãi trông xe kín lối. “Hồi bể phốt bị tắc, tôi chạy đôn chạy đáo đến Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (đơn vị quản lý tòa nhà) để yêu cầu khẩn trương sửa chữa, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường”. Nhưng mọi nỗ lực của ông Hồng đều… rơi vào im lặng. “Hơn 3 lần gõ cửa không được, tôi bàn với mọi người trong khu tự hò nhau đóng tiền sửa chữa. Đợt ấy phải hút 42 xe, thiệt hại 21 triệu đồng. Còn ống nước tầng 1 đang chờ bục, gạch nền nhà mấp mô chưa lát lại được” – ông Hồng nói. Thang máy hỏng hóc đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện không chỉ ở tòa nhà N2A mà cả N2E, N2F, N3A, N3B... Hầu hết các khu nhà tái định cư bên cạnh đều là những tòa nhà cao 15-17 tầng. Nhiều người mệt mỏi quá, đành tìm mua nhà khác và cho thuê nhà ở N2A.

Lệch pha giữa nhà đầu tư dự án và người sử dụng

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ quan điểm, mục đích tốt đẹp của công tác tái định cư là để người dân ở những khu phải giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án của Nhà nước được đến ở tại những khu nhà mới với chất lượng tốt hơn so với nơi họ đang sống. Tuy vậy, trên thực tế, chất lượng nhà tái định cư thấp, xa trung tâm, hạ tầng thiếu, xa trường học, bệnh viện… Trong khi đó, người dân không chỉ cần có nơi ở mà còn cần có công ăn việc làm, có nguồn thu để sống. Sự bất hợp lý trong công tác quy hoạch các khu nhà tái định cư khiến nó không đạt được mục đích tốt đẹp như mong muốn.

Giấc mơ về nhà tái định cư được lòng dân ảnh 3 
Giấc mơ về nhà tái định cư được lòng dân ảnh 4Hệ thống chữa cháy nhà N2A khu TĐC Trung Hòa Nhân Chính gần như tê liệt.

Theo ông Tùng, người dân khi chuyển đến nơi ở mới điều họ cần nhất không phải diện tích rộng mà là điều kiện sống. Điều này lý giải vì sao dân phố cổ vẫn chấp nhận ở nhà 10m2 nhưng không chuyển sang nhà tái định cư có diện tích lớn hơn nhiều lần. “Một điều rất quan trọng nhất là trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, chính quyền cần tham vấn ý kiến người dân - những người sẽ chuyển đến sinh sống tại đó. Nếu không làm tốt những vấn đề trên, tình trạng nhà tái định cứ cứ xây xong rồi bỏ hoang sẽ tiếp tục tái diễn nhưng không ai chịu trách nhiệm - đây là câu chuyện nhức nhối về quản lý đô thị”.

Đây cũng là ý kiến của phần lớn KTS khi nhận xét về nhà TĐC. Bấy lâu nay, các đơn vị quy hoạch, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc hoàn thành công trình và giao nhà, không chú ý đến nhu cầu chính đáng của người dân.

KTS Triệu Anh, một KTS tự do ở Hà Nội nêu quan điểm: Tái định cư là nhà bao cấp, được Nhà nước chi tiền nên chủ đầu tư xây xong, không cần phải bán, chỉ bàn giao cho các công ty quản lý và phát triển nhà quản lý. Do vậy, các đơn vị này thường chọn xây nhà cách xa trung tâm thành phố, khi xây dựng cắt giảm chi phí đến mức tối đa khiến nhà chung cư chỉ đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp. Thay vì ấn định nơi tái định cư, TP nên để người dân lựa chọn nơi ở phù hợp với điều kiện sinh hoạt của gia đình mình tại các dự án khác nhau do cơ quan chức năng đưa ra. Tránh tình trạng giải phóng mặt bằng ở quận Đống Đa nhưng lại bố trí tái định cư ở tận Long Biên, người dân trong diện giải tỏa bỗng nhiên phải sống xa nơi làm việc, xa anh em họ hàng…  làm sao bắt họ mặn mà với nhà TĐC?

Xóa định kiến bằng cơ chế mới

Khoảng những năm 2012-2013, dự thảo sửa đổi, bổ sung cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do liên ngành TP Hà Nội đề xuất từng khiến nhiều người khấp khởi mừng. Dự thảo đưa ra rất nhiều quy định mới đứng về phía quyền lợi người dân. Nếu trước đây các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng một dự án bị dồn về một tòa nhà TĐC được định sẵn thì ở chính sách mới, người dân được chọn một trong hàng vạn căn hộ thuộc các khu TĐC trong thành phố. Trong trường hợp không muốn ở TĐC, người dân hoàn toàn có quyền từ chối mua nhà TĐC và chọn một căn nhà khác. Bên cạnh đó, một trong những điều quan trọng là quy định “đảm bảo việc tính giá đất bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư sát với giá thị trường”. Chủ đầu tư các dự án sẽ phải thuê đơn vị tư vấn độc lập nhằm xác định giá đất tại nơi sẽ tiến hành GPMB, đảm bảo sát với giá thị trường. Tiếp đó, UBND cấp quận, huyện, thị xã và Sở Tài chính có nhiệm vụ thẩm định giá, quyết định giá do đơn vị tư vấn đưa ra.

Giấc mơ về nhà tái định cư được lòng dân ảnh 5Chúng ta nên tính tái định cư bằng tiền, để người dân tự tìm chỗ ở để mưu sinh chứ không cần làm thay, quyết định thay người dân” TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Nhưng từ đó đến nay, những quy định mới trong Dự thảo vẫn chưa đi vào thực tiễn. Đến năm 2017, UBND thành phố Hà Nội lại có chủ trương ban hành một quyết định mới thay thế những quyết định cũ về cơ chế bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dân khi nhà nước thu hồi đất. Theo đó, chính sách tái định cư tại các quận, huyện thị xã ở Hà Nội phải gắn kết với định hướng phát triển đô thị của Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Song vẫn chưa có cú hích nào đủ mạnh để làm thay đổi định kiến về nhà TĐC.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội báo cáo đoàn giám sát Hội đồng nhân dân thành phố mới đây, thành phố còn khoảng hơn 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong nhưng người dân không đến nhận nhà.

Trước tình hình trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội và được chấp thuận, trong thời gian tới không đầu tư tiền xây nhà TĐC, mà sẽ mua nhà thương mại của các chủ đầu tư để bố trí TĐC. Như thế, các chủ đầu tư nhà thương mại sẽ chịu trách nhiệm vận hành tòa nhà, chất lượng quản lý và bảo trì sẽ được nâng lên.

Đó là phương án mà TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Cần có chính sách TĐC nhưng không nên có nhà TĐC. “Chúng ta nên tính tái định cư bằng tiền, để người dân tự tìm chỗ ở để mưu sinh chứ không cần làm thay, quyết định thay người dân” – TS Liêm bày tỏ quan điểm.

Còn theo GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù hô cao khẩu hiệu: “nhà TĐC phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ của người dân” nhưng lâu nay vẫn hiếm có khu TĐC nào đáp ứng được yêu cầu bằng nơi ở cũ. Thực tế, khi xây dựng khu TĐC người ta chưa quan tâm xem xét kỹ các yếu tố tạo nên chỗ ở thực sự cho người dân: có thuận tiện cho con cái họ đi học không, có hệ thống chợ dân sinh chưa, có gần với nơi mà họ có thể tạo ra thu nhập không? Giá bồi thường về đất ở - nhà ở quy định phải tương xứng với giá thị trường để đảm bảo điều kiện người được tái định cư có thể tiếp cận được với những nơi tái định cư chất lượng cao hơn và điều kiện phát triển tốt hơn.

Cũng theo ông Võ, nhược điểm cố hữu của Việt Nam so với nước ngoài ở chỗ, có chủ trương đúng nhưng việc thực hiện không thống nhất, hệ thống giám sát yếu. Một nhược điểm nữa chính là việc trao quyền ban hành quyết định thu hồi và quyền định giá đất bồi thường cho một cơ quan (thường là UBND) theo kiểu vừa đá bóng, vừa thổi còi. Chỉ khi nào tách riêng được các nhiệm vụ thì nguy cơ phức tạp mới giảm, quyền lợi của người dân mới đảm bảo.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?