Căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục thường xuyên (GDTX) gồm 7 nhiệm vụ chung trọng tâm sau:
1. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
2. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ.
3. Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở GDTX. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
4. Thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các Chương trình GDTX. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX.
5. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở GDTX.
6. Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX trên tinh thần thiết thực, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo đối với các cơ sở GDTX.
7. Tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ
Về nhiệm vụ cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác xóa mù chữ cho người dân, chú trọng đến đối tượng mù chữ là người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Đồg thời củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục – xóa mù chữ các cấp ở địa phương. Tăng cường cán bộ, giáo viên chuyên trách công tác xóa mù chữ cho các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Tích cực vận động người mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ; tổ chức các lớp học linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với đối tượng học viên và điều kiện thực tế địa phương.
Đổi mới quản lý đối với các cơ sở Giáo dục thường xuyên
Các Sở GD&ĐT có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở GDTX; chính sách ưu đãi đối với cơ sở GDTX tư thục và hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục; xây dựng quy định về cơ chế thu (khoản thu, mức thu), quản lý học phí, giá dịch vụ đối với GDTX phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tăng cường đổi mới công tác quản lý theo hướng chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng; xây dựng văn hóa chất lượng, tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho giáo viên, nhân viên; tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, về đạo đức nhà giáo; thực hiện đánh giá khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý GDTX, trong dạy-học, quản lý và kiểm tra, đánh giá thực hiện các chương trình GDTX; tăng cường quản lý hệ thống hồ sơ sổ sách của trung tâm theo hướng quản lý hồ sơ điện tử để từng bước thay thế hồ sơ giấy; khuyến khích phát triển kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ chung trong các cơ sở GDTX. Đối với các địa phương có trung tâm được hỗ trợ, tiếp nhận trung tâm thông minh, lớp học thông minh hoặc các phòng máy tính thực hiện triển khai, thí điểm các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo...) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của GDTX. Tăng cường chỉ đạo các trung tâm này chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung giáo dục để khai thác các phòng học/lớp học thông minh tại trung tâm một cách hiệu quả.