Không chỉ là thời gian giải tỏa căng thẳng, giờ học nhạc còn là yếu tố nền tảng trong giáo dục nghệ thuật, thúc đẩy sự sáng tạo và tình yêu trong trẻ nhỏ theo một cách đặc biệt mà không một ngôn ngữ hay tri thức nào khác có được.
__________________
Vai trò không thể thiếu của môn âm nhạc
Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong các nền văn hóa từ thời xa xưa đến nay. Âm nhạc luôn hiện diện, từ lời ru của mẹ, tiếng gió reo, tiếng cây cối rì rào, tiếng hót của họa mi, tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng hò băng qua mặt sông phẳng lặng, tất cả đều là âm nhạc và tất cả đều gắn với đời sống tâm hồn của chúng ta từ thuở lọt lòng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung |
Âm nhạc còn kích thích và hỗ trợ một bộ phận não bộ có chức năng thấu hiểu ngôn ngữ. Do đó, nếu được học nhạc, thiếu nhi sẽ hiểu biết tốt hơn về âm và cách hòa hợp giữa các thành phần khác nhau trong câu. Điều này cực kỳ hữu ích nếu các em đang học ngôn ngữ thứ hai. Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hồng Ân nhận định những lợi ích của âm nhạc đối với trẻ có thể kể đến: Phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển kỹ năng xã hội, tăng sự tự tin và tính kiên nhẫn, kích thích sáng tạo, phát triển lập luận phi ngôn ngữ… Câu hỏi đặt ra là làm sao người lớn, đặc biệt là những nhà giáo dục có thể tận dụng được “điều kỳ diệu” này để ươm mầm cho khu vườn tâm trí của trẻ nhỏ một cách hiệu quả.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, cha đẻ của nhạc khúc nổi tiếng “Nhật ký của mẹ” cho biết: “Đối với các bé nhỏ, việc dạy dỗ bằng lời nói chưa chắc giúp các con cảm nhanh như lời hát.” Ngay từ khi còn nằm nôi hay được ẵm bồng trên tay mẹ, trẻ đã được tiếp xúc với lời ru, những giai điệu dịu dàng thường gắn liền với ký ức về những cái vỗ về ấm áp, “Những lời ca luôn đơn giản, dễ hiểu và thú vị, giúp các con nhớ được những bài học nhanh và lâu hơn. Chúng như hạt giống gieo vào lòng những đứa bé tình yêu, những bài học, cách cư xử, cách nhìn nhận thế giới xung quanh.”
Tìm lại chỗ đứng
Có một thực trạng diễn ra hiện nay rằng nhạc thiếu nhi dường như đang có phần “lép vế” và chưa được quan tâm đúng mực, không chỉ trên không gian mạng, nơi đầy những ca khúc về tình yêu, ca khúc nước ngoài, nhạc chế, mà còn cả trên những kênh truyền thông đa phương tiện chính thống, các cuộc thi âm nhạc cho thiếu nhi cũng đang thiếu những ca khúc hợp lứa tuổi. Thậm chí, ngay cả trên sân nhà “khuôn viên trường học”, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ hát và nhún nhảy theo những giai điệu thịnh hành trên Tiktok, về những câu chuyện tình tan vỡ mà các em chưa hoàn toàn hiểu rõ lời. Ta cũng có thể nhìn thấy vô số những màn trình diễn nhảy theo nhạc Nhật, nhạc Hàn tại những buổi lễ khai giảng, bế giảng, ngày kỷ niệm... Nhạc thiếu nhi liệu có cơ hội nào cạnh tranh được trong một thị trường âm nhạc thực sự sôi động và loạt sản phẩm mới liên tục xuất hiện?
Với âm nhạc trong nhà trường, giáo trình đã được biên soạn và áp dụng để trở thành môn học chính thức với những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, yêu thầy cô mái trường, yêu ông bà cha mẹ, bạn bè…
Có rất nhiều những ca khúc thiếu nhi có sức sống rất lâu bền. Nhưng chung quy, tuổi thơ mỗi thời mỗi khác, nhất là của những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, những nhân chứng rõ ràng của sự phát triển đô thị. Nếu tuổi thơ cách đây 40 năm là đá bóng, trốn tìm, trèo me trèo sấu, nhảy tàu điện, thì những đứa trẻ ngày nay sẽ quen thuộc với những chiếc máy tính thông minh, với mạng xã hội và câu chuyện trở thành một công dân kỹ thuật số toàn cầu. những bài hát thiếu nhi có tuổi đời đáng kể đối với các em nhiều khi lại khá xa vời thực tế. Việc chênh, thiếu hụt đó phần nào khiến trẻ em chuyển sang nghe và hát những khúc ca dành cho người lớn. Thêm vào đó, tư tưởng “môn chính”, “môn phụ”, “môn ngoại khóa” chắc chắn vẫn còn tồn tại trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ, khiến cho chúng ta chưa hiểu hết được về tầm quan trọng của việc giáo dục thông qua âm nhạc, càng khiến âm nhạc đánh mất đi “sự nhiệm màu” vốn có.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Thẳng thắn mà nói, nhạc thiếu nhi không thể cạnh tranh được với những sản phẩm âm nhạc ở phân khúc nhạc thị trường. Kể cả khi không phải các con chủ động tìm nghe, thì cũng là nghe thụ động khi đối tượng nghe chính của các sản phẩm đó chính là ba mẹ, anh chị, hay giáo viên của các con.” Họ bật nghe liên tục, thậm chí, theo xu hướng của xã hội hiện nay, việc một gia đình hay cô trò cùng nhảy theo một giai điệu đang phổ biến trên tiktok cũng không còn phải là hiếm. “Thực ra nên để ‘nhạc thiếu nhi’ thành một khu vực riêng, và trân trọng âm nhạc ấy theo một cách riêng. Xem âm nhạc là một ưu tiên để phát triển tâm hồn của trẻ. Ưu tiên cho âm nhạc thiếu nhi có một chỗ đứng bên cạnh những ca khúc thịnh hạnh kia thì mới có thể thay đổi được hiện trạng”, nhạc sĩ nhận định.
Tại chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật trên VTV1 với chủ đề ca khúc thiếu nhi, và nhạc sĩ Hà Hải từng bày tỏ, bản thân nhạc sĩ tuy có nhiều ca khúc nhưng lại khá ít cơ hội để đưa chúng vào đời sống, tiếp cận đến lứa tuổi thiếu nhi. Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho hay, hiện những giải thưởng, sự quan tâm đúng mực dành cho nhạc sĩ viết thiếu nhi, nhưng chương trình nơi “thiếu nhi thực sự hát nhạc thiếu nhi” còn quá ít ỏi, vô hình chung kéo theo việc giáo dục âm nhạc cho trẻ nhỏ vẫn chưa thể nào bứt phá hiệu quả.
Sau khi miệt mài sáng tác và tìm hiểu về xu hướng hiện nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã quyết định ứng dụng mạng xã hội vào việc phổ cập âm nhạc của mình. Anh đầu tư xây dựng kênh Youtube @300.baihatthieunhi, hoạt động như một bộ sách nhạc trực tuyến. Tại đây, không chỉ các học sinh, mà phụ huynh cũng có thể tiếp cận và ca hát cùng các con, giáo viên cũng có thêm những chủ đề để giảng dạy các con học tập và biểu diễn. Hơn một thập kỷ âm thầm cố gắng cho âm nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ niềm mong mỏi rằng sẽ ngày càng có thêm những người đồng hành, những nhà giáo dục, nhà hảo tâm cùng chung tay và hiểu sâu sắc về những gì âm nhạc có thể mang lại cho việc phát triển nhân cách, niềm tin nơi trẻ nhỏ.
• Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ trẻ viết về nhạc thiếu nhi nhiều nhất trong làng nhạc Việt Nam, với sản phẩm mới nhất là tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi. Nội dung của tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi dựa trên ấu thơ của một đứa trẻ từ 3 đến 13 tuổi, được chia thành 5 phần: Gia đình, Trường lớp, Lễ Tết, Thế giới Tuổi thơ (Những trò chơi dân gian, truyện cổ tích, những món đồ chơi) và Những bài học nhỏ (Cách bảo vệ bản thân, chăm đọc sách, biết qua đường, tính tiết kiệm). Mỗi phần gồm 60 bài hát, tất cả tạo thành một cuốn cẩm nang dành cho các em dưới hình thức âm nhạc, được minh họa bởi NXB Kim Đồng. Nguyễn Văn Chung cũng sở hữu 6 bài hát được đưa vào sách giáo khoa âm nhạc cấp tiểu học.
• Cuối năm 2020, chùm nhạc thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung đã được trao tặng Giải Khát vọng Dế mèn – Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn lần 1 của Báo Thể thao & Văn hóa cùng Thông tấn xã Việt Nam.
• Những tác phẩm nổi bật nhất có thể kể đến là “Mẹ ơi có biết”, “Vui đến trường”, “Món quà tặng cô”, “Nhật ký của mẹ”, “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”.