Theo bà Đàm Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đào, Lũng Nọi (tiếng Tày) có nghĩa là thung lũng nhỏ. Xóm Lũng Nọi có 100% là người Tày sinh sống; có 83 hộ gia đình với 307 nhân khẩu. Trước đây, cả xóm đều thực hành nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, địa bàn chỉ còn khoảng 30 hộ thực hành nghề.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Đào nhấn mạnh, nghề dệt thổ cẩm của người Tày xóm Lũng Nọi là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, hình thành và phát triển một cách tự nhiên trong quá trình lao động, xuất phát từ tập quán tự cung tự cấp. Thổ cẩm truyền thống của người Tày nơi đây được tạo hình, trang trí bằng nhiều loại hoa văn phong phú đẹp mắt trên chất liệu vải chàm với kỹ thuật dệt, tạo hoa văn tinh tế, thể hiện được sự khéo léo của đôi bàn tay và óc thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ. Thông qua các họa tiết trang trí, hoa văn trên thổ cẩm, người dân nơi đây gửi gắm tâm tư, tình cảm và những khát vọng sống của bản thân; thể hiện thế giới tâm hồn, cuộc sống lao động, tình yêu thương giữa con người với con người và mối liên hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.
Trong hơn 30 hộ thực hành nghề dệt thổ cẩm, gia đình Nghệ nhân Nông Thị Thược (xóm Lũng Nọi, xã Ngọc Đào) duy trì thường xuyên nhất. Nghệ nhân Nông Thị Thược cho biết, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Lũng Nọi là sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn, màu sắc và đường nét. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên bản sắc riêng, độc đáo chỉ có ở nơi đây.
Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày bao gồm các công đoạn như: quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ dân tộc Tày. Họ giăng những que tre trên khung cửi đã lập trình sẵn các mẫu hoa văn, dệt thổ cẩm bằng cách đưa sợi vải vào con thoi, rồi con thoi đưa qua, đưa lại trên khung cửi. Mỗi lần chỉ tạo được một hoa văn. Nếu muốn tạo hoa văn khác sẽ phải lập trình lại từ đầu. Nét độc đáo là đồng bào Tày ở Ngọc Đào là tạo hoa văn trên mặt trái của sản phẩm thổ cẩm, không phải dệt từ mặt phải như kĩ thuật dệt thông thường…
Công cụ để dệt ra sản phẩm thổ cẩm là khung cửi, con thoi được làm bằng gỗ, trên khung cửi là những que tre mềm mại để tạo hoa văn. Hoa văn trang trí có ba dạng chủ yếu là: hoa văn hình học, hoa văn hiện thực về thực vật, hoa văn hiện thực về động vật. Ngoài ra, còn có một số hoa văn tín ngưỡng tôn giáo trên trang phục của các thầy Then, thầy Tào. Những hoa văn tạo ra trên sản phẩm thổ cẩm phản ánh trung thực xã hội, những hoạt động lao động sản xuất và văn hóa tinh thần của người Tày xóm Lũng Nọi. Hoa văn thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, sự hòa đồng vốn có như là quy luật bất biến. Màu chủ đạo trên các sản phẩm thổ cẩm là xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Từ các màu này, người dệt sẽ pha chế các gam màu đậm, nhạt phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm.
Người phụ nữ Tày dùng các tấm thổ cẩm dệt được để may mặt chăn, mặt địu con, khăn trải giường và những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc. Ngày nay, các sản phẩm thổ cẩm vẫn được dùng trong đời sống tâm linh như: những tấm trướng che bàn thờ, một số chi tiết cấu thành tấm áo, mũ, khăn, túi đựng đồ nghề, đệm ngồi của thầy cúng…
Để gìn giữ, phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã gắn nghề dệt thổ cẩm với phát triển du lịch tạo nên điểm độc đáo thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ có những phương án cụ thể hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Lũng Nọi. Trong đó, tỉnh chú ý xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dệt thổ cẩm; khuyến khích đồng bào Tày ở Lũng Nọi chủ động định hướng, động viên bà con đầu tư khung dệt thủ công, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại các sản phẩm thổ cẩm..., tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm nhằm giữ gìn, phát huy và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề dệt thổ cẩm…