Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, đến ngày 31/7, toàn huyện còn 20 thôn, xóm bị ngập từ 0,5 - 2m, trong đó, khoảng 7.410 nhân khẩu vùng bị ngập cần cứu trợ, 4.329 trường hợp cần sơ tán. Còn tại huyện Quốc Oai có 5 xã, với 531 hộ dân, 2.546 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 160 hộ bị ngập sâu.
Trước tình hình mưa lũ kéo dài tại một số huyện ngoại thành, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thành lập tổ cấp cứu, đội phòng, chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho người dân vùng bị ngập úng. Đặc biệt, tại các vùng bị nước lũ cô lập hoàn toàn, tổ cấp cứu cơ động đến tận nhà dân triển khai công tác cấp cứu khi có yêu cầu, đưa bà con đến bệnh viện kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thành lập 5 tổ chống dịch cơ động hướng dẫn các trung tâm y tế, phối hợp chính quyền chuẩn bị Cloramin B 25% để nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thành lập 5 tổ, đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại khu vực bị ngập úng.
Sở Y tế thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tổ chức giám sát phòng, chống dịch tại 17 xã, phường thuộc 9 quận, huyện, khu vực có nguy cơ trước mùa bão lũ.
Tại huyện Chương Mỹ, nơi rốn lũ của thành phố, ngoài đảm bảo ổn định đời sống người dân, huyện bố trí trạm y tế lưu động ở xã Nam Phương Tiến, 4 đội cơ động trực thường trú cấp cứu phòng, chống dịch, ứng phó bão số 2 và mưa lũ.
Nhiều ngõ ở xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai vẫn ngập sâu trong nước. |
Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo 32 trạm y tế chủ động xử lý môi trường trước, trong và sau bão, úng, lụt. Đồng thời chuẩn bị thuốc cho công tác phòng, chống bão lụt (thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, hồ nước, thuốc mỡ tra mắt, thuốc bôi…) để điều trị bệnh thường gặp sau lũ như, viêm kết mạc, tiêu chảy cấp, bệnh ngoài da...
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, UBND huyện yêu cầu các phòng, ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ.
Trong đó, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại khu vực bị ngập úng do ảnh hưởng của thiên tai; sẵn sàng chủ động biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Đồng thời triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ.
Để xử lý vệ sinh môi trường sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã cấp gần 200 kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường, tiếp tục cung cấp bổ sung cho đơn vị có nhu cầu. Phân công cán bộ giám sát thường trực 24/24 giờ và 4 đội cơ động theo dõi, giám sát, hỗ trợ đối với những xã, thị trấn bị ngập.
Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ thống kê sản phụ dự kiến sinh tại các xã bị ngập úng; phân công cán bộ y tế theo dõi sát tình trạng của sản phụ, hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân tại vùng không bị ngập. Có phương án sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện đưa sản phụ đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời trường hợp phát sinh.
Riêng các thôn bị cô lập hoàn toàn ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Trạm Y tế tổ chức cấp thuốc tại nhà cho những trường hợp bị bệnh mạn tính, bệnh ngoài da, mắt, tiêu chảy…
Tại huyện Quốc Oai, Trung tâm Y tế huyện cấp phát 10kg Cloramin B 25% đến các xã bị ngập phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường; chỉ đạo trạm y tế tăng cường khám chữa bệnh, hướng dẫn, xử trí người bệnh tại vùng bị ngập. Trong ngày 1/8, huyện Quốc Oai huy động khoảng 300 người đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường ở tất cả xã bị ảnh hưởng mưa lũ.
Tại buổi kiểm tra thực tế tình hình ngập úng tại các địa phương trên địa bàn huyện sáng 1/8, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, sau khi nước lũ rút, vấn đề đáng lo ngại nhất là ô nhiễm môi trường. Các ban, ngành, địa phương cần khẩn trương giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị cho công tác tiêu độc khử trùng. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động vệ sinh môi trường trong gia đình, phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm sau mưa lũ./.