Phóng viên có mặt thực tế hiện trường, rác thải được chôn lấp ở đây chủ yếu là rác thải công nghiệp như vụn vải, vụn da may mũ giầy, rác thải xây dựng, rác sinh hoạt… được thu gom ở các doanh nghiệp khu vực lân cận về chôn lấp. Diện tích bãi rác rộng khoảng 2 ha, nằm sát bờ sông. Rác chôn có độ sâu từ 2 đến 4 mét, ước có khoảng trên 50.000 m3 rác thải lẫn đất được chôn lấp ở đây.
Chôn rác ra tận bờ sông |
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát, thừa nhận, rác ở đây được chôn lấp trái phép từ nhiều năm qua. Đối tượng thu gom thường đóng vào container, vận chuyển bằng ô tô kín đáo, tổ chức chôn lấp vào ban đêm. Nay đối tượng này không còn làm ăn trên địa bàn huyện.
Người dân phản ánh, không chỉ có đối tượng thu gom rác, có cả cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường có liên quan đến việc chôn lấp rác thải ở đây. Đề nghị các ngành chức năng sớm điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan. Bãi rác cần xử lý, chôn lấp lại, tránh ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là ô nhiễm nguồn nước sông Thái Bình, khi mà dưới hạ lưu có hàng chục nhà máy sản xuất nước sạch lấy nguồn nước này để sản xuất.
Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường