Bộ ngực dày không phải chỉ kích thước hay độ chắc chắn của ngực, mà là chỉ mật độ của các tổ chức mô khi chụp X-quang tuyến vú (Mammography). Cấu tạo chính của vú là các mô liên kết (mô dày), mô mỡ (mô không dày), tuyến sữa và dây chằng.
Các nhà khoa học thuộc Đại học California, San Francisco, Mỹ, phát hiện ra những người có mô dày nhiều gấp hai lần bình thường sẽ dễ mắc ung thư vú. Hiện nay mật độ mô dày được coi là chỉ số lớn nhất để xác định nguy cơ mắc ung thư vú, thậm chí còn cao hơn so với yếu tố di truyền.
Các chuyên gia cho biết mô dày sẽ khiến cho các khối u rất khó bị phát hiện khi chụp X-quang tuyến vú nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh. Trên film chụp X-quang, các mô dày sẽ có màu giống với khối u, khiến các bác sĩ khó phát hiện và đưa ra kết quả chính xác.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát dữ liệu của hơn 18.000 phụ nữ bị mắc ung thư vú cùng với hơn 184.000 phụ nữ trong cùng độ tuổi không có dấu hiệu của bệnh.
Những người phụ nữ này được phân loại thành bốn nhóm với mật độ các mô khác nhau. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành xem xét, đánh giá một số yếu tố khác như cân nặng, tiền sử mắc ung thư vú trong gia đình và sinh con đầu tiên sau tuổi 30.
Kết quả cho thấy 39% trường hợp ung thư vú trước thời kỳ mãn kinh có thể được ngăn ngừa nếu họ có ít mô dày hơn. Phát hiện này đồng nghĩa với việc có thể giảm 25% số người mắc ung thư vú sau khi mãn kinh.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Natalie Engmann, cho biết: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy mật độ các mô ở vú là một yếu tố quan trọng. Việc giảm số lượng các mô dày có thể ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư vú”.
Ước tính khoảng 60% phụ nữ trẻ tuổi và gần 50% phụ nữ lớn tuổi có bộ ngực dày.
Hiện nay, một loại thuốc có tên là tamoxifen, được cho rằng có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư và làm giảm mật độ mô dày, nhưng đi kèm nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
Việc tăng cân sẽ có xu hướng tích lũy thêm các mô mỡ của ngực và làm giảm mật độ mô dày. Tuy nhiên, béo phì là nguyên nhân của nhiều loại ung thư khác.