Ngày 10-12, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị Xây dựng khả năng chống chịu hạn hán ở Đông Nam Á - Hành động sớm để giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh phía Nam - Việt Nam.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2019, tổng lượng mưa trên khu vực ĐBSCL phân bố không đều theo thời gian và không gian, tổng lượng mưa từ tháng 6-10 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm 10%-50%.
Hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp hơn 0,4-0,7 m so với trung bình nhiều năm và tương đương cùng kỳ năm 2015. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, từ tháng 12-2019 đến 2-2020 sẽ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang.
Nông dân Đồng Tháp Mười thẫn thờ trước nạn hạn hán xâm nhập mặn |
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong các thập niên tới khi nước biển dâng cao, vùng ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và ngập lũ hạ lưu sông Cửu Long quy mô lớn. Hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng chịu tác động xấu khi chế độ nước ngập sâu bị thay đổi do nước biển dâng. Quá trình xâm nhập mặn ở mức độ cao có thể hủy duyệt thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tràm; đời sống xã hội khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Còn theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ giữa tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng đến 35-45 km (cao hơn năm 2016 từ 3-5 km); tháng 1, 2 ranh mặn 4 g/l xâm nhập 55-110 km (cao hơn năm 2015, 2016 từ 3-7 km).
Ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định thiên tai là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, trước mắt cần điều chỉnh cơ cấu mùa vụ để ứng phó hạn, mặn, không trồng lúa, cây ăn quả ở vùng có nguy cơ hạn, mặn; vận hành hợp lý các công trình thủy lợi phù hợp thực tế.
Cạnh đó, thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn để chủ động ứng phó, chủ động tích trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Về lâu dài, theo tổng cục cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu hạn mặn, điều chỉnh thời vụ sản xuất nông nghiệp theo vùng sinh thái. Chủ động kế hoạch cấp nước/trữ nước.
Ngành chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân cách chủ động phòng tránh và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống hạn, mặn. Song song đó triển khai kế hoạch quản lý hạn, tập trung dự báo dài hạn để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.