Ủy ban quốc hội về thể thao của Hàn Quốc muốn lá cờ Húc Nhật kỳ (cờ Mặt trời Mọc) bị cấm tại các địa điểm tổ chức Thế vận hội Tokyo vào năm tới, bởi người dân Hàn Quốc coi đây là một biểu tượng của "chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt" của Nhật Bản.
Nhưng trong tuần này, ban tổ chức Thế vận hội Tokyo nói rằng lá cờ sẽ không bị cấm vì nó được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản.
"Bản thân lá cờ không được coi là một tuyên bố chính trị, vì vậy nó không bị cấm", phía Nhật Bản tuyên bố.
Quyết định này tiếp tục gây tranh cãi ở Hàn Quốc, khi ông An Min-suk - Chủ tịch ủy ban thể thao quốc hội, đã lên án quyết định này.
"Một lá cờ tượng trưng cho chiến tranh không phù hợp với Thế vận hội Olympic vì hòa bình", ông An nói trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.
"Húc Nhật kỳ giống như một biểu tượng của quỷ dữ đối với người dân châu Á và Hàn Quốc, giống như cách chữ vạn là biểu tượng của Đức quốc xã khiến người châu Âu liên tưởng về sự xâm lược và kinh dị", ông An chỉ ra.
Ủy ban Thể thao & Olympic Hàn Quốc hôm thứ Sáu cho rằng họ chưa đưa ra yêu cầu chính thức tới ban tổ chức Tokyo 2020 hoặc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để cấm lá cờ này.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm thứ Năm rằng họ đã bày tỏ sự hối tiếc về quyết định của phía Nhật Bản thông qua các kênh ngoại giao. Đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In-chul nói rằng chính phủ Nhật Bản cần phải thừa nhận lịch sử của lá cờ.
"Tôi tin rằng chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ rằng lá cờ Mặt trời Mọc được các quốc gia láng giềng coi là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt", ông Kim nói.
Sự bất đồng về lá cờ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa hai quốc gia láng giềng kể từ tháng 7.
Lý do lá cờ gây khó chịu cho người Hàn Quốc
Đối với Nhật Bản, Húc Nhật kỳ là một phần của văn hóa nước này. Lá cờ được sử dụng bởi quân đội Đế quốc Nhật Bản, và lực lượng phòng vệ Nhật Bản hiện vẫn sử dụng cho tới ngày nay.
Tuy nhiên, Hàn Quốc coi lá cờ là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản và gợi lên sự tàn bạo của chiến tranh.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, Bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản xâm chiếm và nhiều người Triều Tiên bị tàn sát và bắt làm nô lệ. Thời kỳ đó là vẫn ám ảnh ký ức của người cao tuổi Hàn Quốc và tiếp tục là một chủ đề rất gây xúc động ở cả hai miền Triều Tiên.
Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn gặp bế tắc trong các cuộc tranh luận về vấn đề phụ nữ Triều Tiên từng bị ép làm nô lệ tình dục trong thời gian bị Đế quốc Nhật đô hộ, thậm chí Tòa án Tối cao Hàn Quốc còn cho phép công dân kiện các tập đoàn Nhật Bản từng cưỡng ép họ làm nô lệ lao động.
Mặc dù Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký một hiệp ước vào năm 1965 để giải quyết các vấn đề thời chiến còn sót lại, nhiều người Hàn Quốc cảm thấy thỏa thuận này không công bằng và tin rằng các cá nhân vẫn có quyền đòi lại lợi ích cho riêng mình.
Một thỏa thuận mang tính bước ngoặt khác đạt được vào năm 2015, khi Nhật Bản đưa ra một lời xin lỗi khác và cam kết hỗ trợ 8 triệu USD cho "những người phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục" còn sống sót. Tuy nhiên, những người phụ nữ này đã từ chối điều khoản bồi thường do chưa được hỏi ý kiến từ trước.
Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa hai nước đã biến thành tranh chấp thương mại. Căng thẳng leo thang vào tháng 7 khi Tokyo hạn chế xuất khẩu các vật liệu dùng cho sản xuất chip sang Hàn Quốc.
Tháng trước, Hàn Quốc đã loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy và tuyên bố chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.
Phía Tokyo sau đó chính thức loại bỏ Seoul khỏi danh sách các đối tác thương mại ưa đãi, khiến Bộ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra tuyên bố gọi biện pháp này là "bất công" và nói rằng họ đang bị Nhật Bản đối xử như một "quốc gia thù địch".
Hàn Quốc đã cảnh báo rằng tranh chấp thương mại có thể đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các mặt hàng điện thoại thông minh và thiết bị điện tử.