Hàng ngàn công nhân 30 tuổi đã toan về… hưu

(Ngày Nay) - Từ độ tuổi 30 đến 35 - độ tuổi thường được coi là “chín” nhất trong sự nghiệp mỗi người thì trớ trêu thay hàng ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất lại lao đao rơi vào thời điểm dễ bị mất việc nhất. Tình trạng này đang diễn ra ngày càng phổ biến 3 năm trở lại đây tại các KCN-KCX quanh Thủ đô Hà Nội.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sáng đi làm, chiều nhận quyết định sa thải

Sau 4 tháng chật vật sắp xếp thời gian đưa đón con đi học, chị Lương Hiền – một công nhân đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long quyết định nghỉ việc. Công ty lấy lý do đang cơ cấu lại sản xuất nên chuyển chị qua vị trí mới với lịch làm việc dày đặc. Con nhỏ, chồng đi làm xa, nhà thuê trọ, chị xoay như chong chóng cũng chẳng đáp ứng được yêu cầu của công ty. Nhiều công nhân như chị cũng chấp nhận nghỉ việc vì liên tục bị công ty “làm khó”, dù doanh nghiệp không bao giờ nói thẳng vấn đề tuổi tác.

Chị bảo: “Tất cả những công nhân làm việc tại KCN đều biết tình trạng doanh nghiệp sẽ sa thải công nhân khi ngoài 30 tuổi với nhiều lý do như hết hợp đồng, công ty khó khăn phải cơ cấu lại sản xuất hoặc chuyển đổi sang làm vị trí công việc khác để công nhân không chịu nổi áp lực xin tự nghỉ việc…”.

Nhiều đồng nghiệp của chị Lương Hiền như anh Quang, chị Hoa, chị Xuân… cùng sống trong một xóm trọ cuối làng Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh tuy chưa nghỉ việc nhưng lúc nào tư tưởng “nghỉ việc” cũng xuất hiện trên đầu. “Lương của tôi hơn 4 triệu/tháng, tằn tiện chi tiêu cũng đủ thuê trọ, sinh hoạt. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, công ty liên tục thay lao động bằng người trẻ hơn ở những công đoạn đơn giản chỉ học việc 2-3 tuần là có thể làm việc. Những người gắn bó với công ty lâu như tôi không được tăng ca, còn công nhân trẻ tăng ca liên tục, lương có khi gấp đôi người cũ…” – chị Xuân (quê Thái Nguyên) lo lắng.

Theo quy định của luật pháp, doanh nghiệp chỉ cần thông báo trước cho lao động 45 ngày là có thể cho nghỉ. Không chỉ chị Hiền, chị Xuân… mà hàng ngàn công nhân khác luôn trong diện có thể sa thải… bất thình lình.

Kết quả khảo sát mẫu tại hơn 60 doanh nghiệp trong cả nước tại KCN-KCX mới đây của Viện nghiên cứu Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), 70-80% lao động nữ trên 35 tuổi tự bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng khi hết hạn… Nguyên nhân chính dẫn đến chấm dứt quan hệ lao động là: 59,6% công nhân cho rằng lương thấp không đủ sống, 39% do áp lực công việc (tăng ca, định mức cao), 13,4% công việc nặng nhọc, nguy hiểm, 8,4% bị quấy rối tình dục, 16,4% bị chửi mắng, phân biệt đối xử, hơn 15% sức khoẻ không đảm bảo, mất sức lao động, 12,6% bị thôi việc, bị đuổi (không lý do)… Tâm lý của người lao động cũng theo nhiều cung bậc khác nhau: 27% người lao động bị “bất ngờ” khi cầm quyết định nghỉ việc, 11,9% bị “khủng hoảng”.

Viện nghiên cứu Công nhân – Công đoàn đưa ra cảnh báo, trong 6 triệu lao động làm ở KCN-KCX hiện nay, sẽ có khoảng 3 triệu lao động sẽ bị thay thế trong khoảng 2 đến 3 năm tới khi bước qua tuổi 30. Tình trạng sa thải người lao động tùy tiện đang trở nên phổ biến, nhiều người sử dụng lao động hành xử không theo luật định. Có tình trạng, buổi sáng còn đi làm, buổi chiều đã nhận quyết định sa thải. Thực tế, khó xử lý và xử phạt được doanh nghiệp sử dụng lao động.

Một khảo sát khác của tổ chức Plan Việt Nam về nữ công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì có hơn 80% cho rằng công việc tại doanh nghiệp hiện tại mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau nghỉ việc, 53,3% cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn.

Tới nay chưa có một khảo sát, điều tra đầy đủ nào về vấn đề doanh nghiệp sa thải công nhân ở tuổi 30, tất cả mới dừng lại ở ghi nhận hiện tượng. Và các công ty đều không làm sai quy định pháp luật hiện hành nên chưa có cơ sở để xử lý. Tuy nhiên, ông Vũ Quang Thọ, Viện nghiên cứu công nhân công đoàn Việt Nam thừa nhận tình trạng này diễn ra ở hầu khắp thị trường lao động. Ông gọi là “đổ vỡ thị trường lao động”: “Thực tế, dù biết có hiện tượng sa thải công nhân lao động nhưng các công ty đều lách luật ngay khi ký kết hợp đồng lao động nên đến nay chưa có cơ sở để xử lý doanh nghiệp” – ông Thọ nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bình, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH): Doanh nghiệp không đưa ra lý do tuổi cao mà đưa ra vỏ bọc khác để loại bỏ công nhân, đây là thực tế trên thế giới đã có. Các nước cũng đang đối phó nhằm đảm bảo quyền lợi đích đáng cho người lao động.

Xu hướng ngày càng rõ rệt và nguy hiểm

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong 4 tháng đầu năm 2017 cho thấy, có tới 89% lao động (10.441 người) trên 35 tuổi đến đăng ký thất nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức chiều 26/7 tại Hà Nội cho biết, tình trạng doanh nghiệp sa thải lao động trên 35 tuổi đang trở thành một xu hướng có thật, “tình trạng này đã diễn ra cách đây 6-7 năm nhưng tới thời điểm này diễn ra rõ hơn”.

Qua thực tế giải quyết tình trạng thất nghiệp của BHXH Hà Nội trong năm 2017, cho thấy tình trạng cho lao động quá 35 tuổi nghỉ việc nhiều. “Sau 35-40 tuổi, sức khoẻ người lao động không còn nhanh nhạy, ít khả năng tiếp thu công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó, thời gian công tác dài tất yếu dẫn tới chi phí về tiền lương và BHXH của người lao động cao lên” - ông Lê Đình Quảng nói rõ hơn.

Không ít doanh nghiệp đã thoả thuận chi một khoản tiền cao hơn quy định của pháp luật để người lao động tự xin nghỉ việc. Người lao động bị buộc phải quay về khu vực không có quan hệ lao động và không tham gia vào hệ thống BHXH.

“Đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động của quốc gia. Trong khi đó, Luật Lao động quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ 55. Cần có sự điều chỉnh và sửa đổi về pháp luật lao động theo hướng tạo việc làm bền vững. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó bởi pháp luật lao động xây dựng trên cơ chế thị trường linh hoạt” - ông Quảng bày tỏ quan điểm.

Không chỉ ảnh ảnh ảnh hưởng đến BHXH, tình trạng sa thải lao động sau tuổi 30 gây nên tình trạng gia tăng thất nghiệp, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Khảo sát cho thấy, 11,2% NLĐ không có gia đình, không người thân, 11,8% NLĐ khó kiếm bạn và kết bạn, 38,1% NLĐ là gánh nặng cho gia đình, địa phương, 15% không có sức khoẻ, mất khả năng lao động, 19% bị lôi kéo vào các TNXH hoặc việc làm xấu…

Nhìn lại Luật Lao động

Theo một nguyên lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng chấm dứt hợp đồng với LĐ lớn tuổi sẽ nghiêm trọng hơn nếu Bộ luật Lao động sửa đổi (đang lấy ý kiến) được thông qua. Theo đó bộ luật lao động sửa đổi, chủ sử dụng LĐ chỉ được ký 2 hợp đồng xác định thời hạn liên tục, hợp đồng thứ 3 phải ký không thời hạn. Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi sẽ mở hơn, nếu hợp đồng LĐ có thời hạn hết hiệu lực, người LĐ vẫn tiếp tục làm việc thì xem như hợp đồng “tự động ký mới” với thời hạn như hợp đồng cũ. Chỉ khi người LĐ và chủ sử dụng ký lại hợp đồng mới, thì đó mới là hợp đồng không xác định thời hạn.

“Nếu quy định mới này được thông qua, DN chỉ cần ký một hợp đồng có thời hạn, sau đó không ký lại hợp đồng mới, LĐ vẫn làm việc bình thường nhưng mãi mãi vẫn là hợp đồng có thời hạn. Như vậy, chủ sử dụng thích chấm dứt hợp đồng khi nào cũng được”, ông này phân tích.

Ông Lê Đình Quảng cho rằng, những thay đổi trong Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi về hợp đồng LĐ sẽ phải nghiên cứu lại. Do khi xây dựng dự thảo, vấn đề thải loại LĐ lớn tuổi chưa nóng như hiện nay.

PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học Lao động - Xã hội thì cho rằng, pháp luật lao động đã quy định rõ khi sử dụng lao động dài hạn thì người sử dụng lao động bắt buộc phải ký hợp đồng lao động với người lao động. Theo đó, sau 2 hợp đồng có xác định thời hạn (ngắn hạn) thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động dài hạn, không xác định thời hạn với người lao động.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu doanh nghiệp muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường theo điều khoản của hợp đồng cho người lao động. Đặc biệt, để quyền lợi của người lao động đảm bảo thì doanh nghiệp phải đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

“Muốn doanh nghiệp thực hiện đúng thì tổ chức công đoàn cần bám sát cơ sở, phát hiện kịp thời những doanh nghiệp nào nợ, trốn đóng các loại hình bảo hiểm mà pháp luật quy định… để cùng phối hợp với chính quyền có biện pháp yêu cầu, răn đe, xử lý. Ngoài ra, người lao động cũng cần phải “tự thân vận động”, tập trung nâng cao tay nghề, chịu khó học hỏi để tạo ra những sản phẩm tốt. Mặt khác, người lao động cũng cần phải tìm hiểu Luật Lao động hoặc nhờ các trung tâm tư vấn pháp luật của công đoàn tư vấn để đảm bảo các điều khoản, quyền lợi trong hợp đồng lao động với doanh nghiệp” – bà Hương khẳng định.

Theo một số chuyên gia, trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm giải pháp khắc phục, không còn cách nào khác là người lao động phải “tự cứu mình”, tự hoàn thiện bản thân, tự học hỏi, học nghề thuần thục để chứng minh năng lực. Mặt khác, cần chủ động tìm hiểu Luật Lao động để khi ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp không bị “bẫy”.