Hàng trăm khách hàng tố cáo Manulife: Tư vấn gửi tiết kiệm, thực tế đóng bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Theo phản ánh của hàng trăm người dân đã nộp đơn tố cáo lên Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM, khi đến giao dịch tại SCB, họ đã bị nhân viên tư vấn sai lệch về sản phẩm tiết kiệm kèm bảo hiểm Tâm an đầu tư, nhưng thực tế đây là hợp đồng bảo hiểm.
Hàng trăm khách hàng của Manulife đến Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo.
Hàng trăm khách hàng của Manulife đến Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo.

Tư vấn một đằng, hợp đồng một nẻo

Theo tố cáo cùa người dân, Manulife đã thông qua các đại lý để chào bán sản phẩm Tâm an đầu tư tại các Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đối tượng khách hàng đa số là người có tiền gửi tiết kiệm tại SCB và thiếu kiến thức về tài chính cũng như bảo hiểm nhân thọ.

Quá trình tư vấn, nhân viên, đại lý của Manulife cố tình đánh tráo khái niệm, không tư vấn rõ cho khách hàng biết sản phẩm Tâm an đầu tư là một loại bảo hiểm mà giới thiệu đây là sản phẩm tiền gửi kết hợp giữa Manulife và SCB, có lãi suất cao hơn ngân hàng (ở mức 8-15%/năm), thời gian đáo hạn 5-6 năm, có thể rút toàn bộ gốc và lãi, đồng thời được tặng kèm quyền lợi bảo hiểm trong suốt quá trình tham gia. Tuy nhiên, thực tế sau 5-6 năm, nếu khách hàng có nhu cầu rút tiền chắc chắn gần như bị mất hết số tiền đã đóng, khác hoàn toàn với nội dung được tư vấn.

Để che giấu sản phẩm đang bán là bảo hiểm nhân thọ, đại lý, nhân viên của Manulife đã không cung cấp bất kỳ hồ sơ, giấy tờ nào cho khách hàng trong năm đầu tiên đóng phí, chỉ có giấy tờ về việc thu tiền của khách hàng mà không có bất kỳ giấy tờ nào về các khoản phí khách hàng phải trả, các quy tắc bồi thường, trách nhiệm, quyền lợi của khách hàng,...

Sau khoảng 10 – 15 ngày kể từ ngày đóng tiền tham gia, khách hàng được nhận hợp đồng ghi rõ là Hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, do được tư vấn là sản phẩm tặng kèm nên khách hàng không có nghi vấn. Ngoài ra, đại lý chỉ bàn giao hợp đồng mà không tư vấn, giải thích, trong khi hợp đồng có nhiều trang, chữ nhỏ, nhiều thuật ngữ bảo hiểm và tài chính chuyên ngành nên gần như khách hàng không thể hiểu được, không nhận thức được việc bản thân đang mua bảo hiểm.

Hồ sơ khai báo thông tin để thực hiện hợp đồng do đại lý tự khai báo, khai khống các thông tin về thu nhập lên nhiều lần, khai khống thông tin về sức khỏe, kinh nghiệm đầu tư, thậm chí giả chữ ký khách hàng,... và đề nghị khách hàng ký tên để hoàn tất thủ tục. Vì không biết đang tham gia bảo hiểm nhân thọ nên nhiều người đã ký tên.

Sau đó, Manulife đã chấp thuận toàn bộ hồ sơ và không có động thái yêu cầu khách hàng xác nhận với những điểm khả nghi, bất thường như chữ viết trên hồ sơ khác chữ viết ở chữ ký, thu nhập cao bất thường với những người đã nghỉ hưu, sức khỏe tốt kể cả những người cao tuổi,... Các hồ sơ đều đóng số tiền lớn trong năm đầu tiên, toàn bộ số tiền mà khách hàng đóng trong năm đầu tiên cũng được Manulife ghi nhận là phí bảo hiểm.

Rất nhiều khách hàng bức xúc vì bị lừa mua bảo hiểm, họ cho rằng nếu biết trước đây là sản phẩm bảo hiểm chắc chắn sẽ không tham gia vì không có nhu cầu hoặc đã tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác.

Ngày 20/4, 114 người dân đã mua sản phẩm Tâm an đầu tư tại SCB đã gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM yêu cầu xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Truy tố, xét xử những cá nhân, tổ chức triển khai bán loại hình sản phẩm này về lạm dụng tín nhiệm và cố tình cung cấp thông tin sai sự thật cho khách hàng để ký Hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời buộc Manulife Việt Nam hoàn trả toàn bộ số tiền khách hàng đã đóng kèm lãi suất. Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã tiếp nhận 34 đơn tố cáo của người dân cùng có nội dung tương tự.

Hàng trăm khách hàng tố cáo Manulife: Tư vấn gửi tiết kiệm, thực tế đóng bảo hiểm ảnh 1

Nhiều người dân tại Hà Nội đến văn phòng Manulife tố cáo hãng bảo hiểm lừa đảo và yêu cầu hoàn tiền.

Nguy cơ mất trắng số tièn đã đóng

Chị Phạm Lại Thiên Kim (ngụ quận 10) cho biết, tháng 10/2020, chị cùng mẹ đến ngân hàng SCB chi nhánh Thành Thái. Tại đây, nhân viên đã tư vấn tham gia sản phẩm đầu tư với mức lãi suất 15%/năm và có thể đóng thêm tiền hoặc giảm số tiền đóng tương tự như gửi tiết kiệm. Sau 5 năm sẽ được nhận toàn bộ gốc và lãi, đồng thời được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Quá trình tư vấn có sự chứng kiến của nhân viên SCB và nhân viên ngân hàng này cũng ký tên trên một số giấy tờ.

Chị Kim cho biết ở nhà làm nội trợ, khong có thu nhập cố định nhưng thông tin trên hợp đồng lại thể hiện chị làm chủ cửa hàng nội thất với thu nhập trên 60 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn nhiều thông tin khác bị khai báo sai lệch. Hợp đồng cũng có nhiều điều khoản nhập nhằng, khó hiểu, trong đó có các nội dung như thời hạn hợp đồng đến năm 85 tuổi, số tiền đóng năm đầu tiên chỉ hơn 60 triệu đồng nhưng từ năm 2 nhảy lên hơn gấp đôi, khoảng 110 triệu đồng,... Đến nay, chị Kim đã đóng hơn 74 triệu đồng cho hợp đồng bảo hiểm này.

Bà Hồ Ngũ Muội (ngụ quận 6) cho biết, từ năm 2017 đã tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Gia đình tôi yêu của Manulife. Đến đầu tháng 11/2020, bà đến ngân hàng SCB – Chi nhánh Âu Cơ làm thủ tục rút tiền tiết kiệm thì được nhân viên tư vấn tham gia gói tiết kiệm Tâm an đầu tư với mức lãi suất trung bình 9,5%/năm, tối thiểu 8,7%/năm, cao hơn mức lãi suất tiền gửi của ngân hàng tại thời điểm đó. Sau 5 năm sẽ được rút toàn bộ gốc và lãi.

Bà Muội cho biết không có tiền để đầu tư, chỉ có 1 khoản tiền tiết kiệm 160 triệu sắp đáo hạn vào tháng 12/2020 thì được nhân viên tư vấn rút khoản tiền này để tham gia gói Tâm an đầu tư. Bà Muội không đồng ý liền được nhân viên chuyển qua phương án vay tiền của ngân hàng với số tiền tương đương để tham gia.

Khi bà Muội đồng ý tham gia, nhân viên liền đưa giấy tờ chưa điền thông tin và yêu cầu ký tên, thông tin sẽ được nhân viên tự điền sau. Đến năm 2021, bà Muội đã đóng thêm 160 triệu đồng cho năm hợp đồng thứ 2. Đến đầu năm 2022, bà Muội phát hiện ra mình đang tham gia bảo hiểm chứ không phải tiết kiệm, đồng thời hợp đồng cũng bị nhân viên làm giả thông tin, thông tin sai lệch. Nhưng phía SCB giải thích mập mờ và cho biết bà Muội phải đóng liên tục 8 – 10 năm mới được rút ra. Ngân hàng SCB cũng cho biết Manulife đã đồng ý giảm phí đóng cho hợp đồng và yêu cầu bà Muội đóng tiếp năm 3, nhưng khách hàng này không đồng ý.

Bà Muội cho biết, số tiền đã đóng bà dành dụm cả đời gửi tiết kiệm để dưỡng già, nhưng đã bị lừa chuyển sang tham gia bảo hiểm nhân thọ. Đến nay, bản thân bà đã già yếu, chồng mắc bệnh ung thư trực tràng nên gia đình rất cần tiền để trang trải, nhưng khi làm việc với Manulife, hãng bảo hiểm này chối bỏ trách nhiệm và không đồng ý trả tiền. Đồng thời, bà Muội có nguy cơ mất trắng hơn 320 triệu đồng đã đóng do đã bị Manulife trừ hết chi phí.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.