Hạnh phúc với người tự kỷ là gì?

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 1
Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 2

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc khi nghĩ về cộng đồng này, rằng liệu họ có thể cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống, khi khó có thể gọi tên cảm xúc của bản thân? Thế nhưng người viết đã chứng kiến những khoảnh khắc thực sự hạnh phúc của một nhóm 5 người trẻ tự kỷ khi họ cùng làm việc tại nhà hàng pizza VAPS Restaurant.

Tại nhà hàng đặc biệt trên phố Mai Anh Tuấn, Hưng “Chef” đảm nhận công việc bếp trưởng. Vẻ ngoài to lớn, gương mặt hiền từ cùng chiếc mũ trắng và tạp dề khiến người ngoài liên tưởng Hưng với một đầu bếp chuyên nghiệp. Ở đó, có Minh “Barista”, người phụ trách pha chế và phục vụ đồ uống của nhà hàng. Chỉ bằng nụ cười trên môi, chàng trai 21 tuổi này có thể dễ dàng chinh phục được thiện cảm của các thực khách.

Ở đó, có cả Tùng, 29 tuổi, người anh cả của nhóm và phụ trách thư viện. Nếu gặp ở bên ngoài, khó ai nghĩ rằng Tùng là người tự kỷ, bởi anh có khả năng giao tiếp tiếng Anh và quản lý các đầu việc trong công ty rất đáng nể.

Ở đó, cũng có những cậu em nhỏ như Quang Anh và Đạt, hiện đang đảm nhiệm dự án siêu thị mini. Vì đến sau, nên Đạt vẫn còn chưa quen nhiều thứ, khi nhận ra mình đưa nhầm cho khách một món đồ, em có hành vi làm đau bản thân như một cách tự trừng phạt. Ngay lập tức, những người đồng nghiệp của em đều xúm vào động viên, Minh “Barista” sẽ bật bài “Dậy mà đi” Đạt thích, còn Hưng “Chef” nhỏ nhẹ xoa tay và dặn em không cần làm đau mình.

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 3

Khi tới đây, các thực khách ngay lập tức hiểu được tình cảm mà các thành viên của Trái tim VAPS dành cho nhau và các chàng trai này thực sự đã có 8 tiếng hạnh phúc mỗi ngày.

“Hiện tại chúng tôi có tổng cộng 8 bạn làm việc tại đây, có bạn sẽ phụ trách nhà hàng, có bạn quản lý siêu thị, thư viện”, ông Nguyễn Đức Trung, người sáng lập và Tổng giám đốc Trái tim VAPS (Dự án Tự kỷ Việt Nam), cho biết. “Mỗi người chúng tôi đều là một mắt xích thúc đẩy bộ máy công ty phát triển”.

Theo ông Trung, Trái tim VAPS là mô hình tiên phong ở Việt Nam. Khác với các mô hình đào tạo nghề cho người tự kỷ hiện nay, Trái tim VAPS không hướng tới một dây chuyền khép kín, mà người tự kỷ tại đây vừa được đào tạo nghề, vừa trực tiếp làm việc và đặc biệt là người đi trước sẽ hướng dẫn người tới sau. Tuy nhiên, việc mất nhiều thời gian đào tạo lại là điểm hạn chế của mô hình này, khi số lượng người nhận vào còn “nhỏ giọt”, khó có thể mở rộng quy mô.

Để những Minh, Hưng, Đạt có thể vận hành căn bếp một cách trơn tru, ông Trung đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, trí tuệ mà theo ông có “vàng cũng không đánh đổi được”. Lấy ví dụ như Minh, người mất 5 tháng để nhận mặt chữ và số, giờ cậu này đã có thể tự viết hóa đơn thanh toán cho khách hàng.

“Công thức cho sự hòa nhập của người tự kỷ bao gồm niềm tin, sự dìu dắt và tính nhẫn nại”, ông Trung chia sẻ, “từng mảnh ghép nhỏ sẽ cấu thành nên một người lao động tự kỷ hoàn chỉnh”.

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 4
Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 5

Tại Việt Nam, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc định hướng nghề nghiệp, doanh nghiệp chưa sẵn sàng chấp nhận thanh thiếu niên rối loạn phát triển khuyết tật, trong đó có tự kỷ, vào làm việc.

Vấn đề hướng nghiệp cho người tự kỷ tại Việt Nam từ lâu đã là niềm trăn trở của nhiều bậc phụ huynh, thầy cô giáo và đội ngũ chuyên gia bởi thông thường các trung tâm chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật thường chỉ tập trung vào mảng can thiệp sớm và hỗ trợ học đường.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, nhận thức về tự kỷ mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong vòng chưa đầy 20 năm và các chương trình giáo dục đặc biệt hiện tập trung vào nhóm trẻ tự kỷ từ 0-10 tuổi. Trong khi đó, nhóm từ 18 tuổi trở lên, mà theo ông Trung là những người “có quá khứ bị bỏ trống”, gặp rất nhiều khó khăn hơn do thiếu khả năng hòa nhập và ngày càng trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Theo TS Đào Thị Thu Thủy (Đại học Thủ đô Hà Nội), vấn đề hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh thiếu niên rối loạn phát triển ở Việt Nam còn thiếu thông tin do vấn đề nhận thức của các các gia đình còn hạn chế. “Phần lớn phụ huynh đều có suy nghĩ rằng các em khó có thể học được một nghề nghiệp để lao động nuôi sống bản thân, do vậy phần lớn tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng là chính”, TS Thủy chỉ ra.

Nhận thức của cộng đồng cũng là một trong những yếu tố vô cùng to lớn ảnh hưởng đến cơ hội được tiếp cận đến những chương trình hướng nghiệp và dạy nghề và cơ hội có nghề nghiệp của thanh thiếu niên rối loạn phát triển sau này.

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 6

Thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỉ, nếu tính theo cách tính của tổ chức WHO, con số này chừng 500.000 và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.

Cơ hội việc làm cho các thanh thiếu niên rối loạn phát triển còn ít ỏi, thiếu thông tin của nhà tuyển dụng. Đặc biệt, có ít doanh nghiệp nhận người khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ vào làm việc, tại các trung tâm. Chương trình dạy nghề, chương trình hỗ trợ việc làm mới chỉ tập trung cho các đối tượng người khuyết tật vận động, người khuyết tật về nhìn và người khuyết tật về nghe nói. Nhóm khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ trí tuệ gần như chưa được nghiên cứu và xây dựng phù hợp với môi trường sống tại Việt Nam.

Cũng theo TS Thủy, việc thiếu định hướng, hướng nghiệp và dạy nghề đối với thanh thiếu niên rối loạn phát triển sẽ đem lại hệ quả tiêu cực cho chính bản thân các em và gia đình, xã hội.

“Phần lớn các em rất cô đơn khi tới tuổi trưởng thành do chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc đi lang thang. Các em có thể bị bỏ rơi, không được gia đình chấp nhận. Nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn, xuất hiện gánh nặng kinh tế”, bà Thủy nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Trung chỉ ra rằng việc nhóm người tự kỷ ở độ tuổi trưởng thành bị bỏ rơi gây ra rất nhiều hệ lụy và lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội. Dù có nhiều chủ doanh nghiệp bày tỏ thiện chí giúp đỡ, nhưng chưa chắc đã có một vị trí phù hợp, thiếu phương pháp giúp đỡ, hay không đặt trọn vẹn niềm tin nơi người tự kỷ

“Do đó, cần phải của một mô hình tập trung vào người tự kỷ, lấy người tự kỷ đào tạo người tự kỷ, để tối ưu hóa nguồn vốn và thành quả, tránh rủi ro về mặt kinh tế”, ông Trung cho biết.

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 7
Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 8

Tại các nước phương Tây, đã có những người tự kỷ rất thành công, đạt tới học vị cao như tiến sĩ, hoạt động trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật,… Người tự kỷ tại Philippines, Malaysia, Brunei cũng được đào tạo làm những công việc giản đơn lặp đi lặp lại như rửa xe, dệt thủ công, làm đồ thủ công, hay một công đoạn trong làm bánh… Rõ ràng khi được đào tạo và bố trí công việc đúng khả năng, mọi người tự kỷ đều có thể làm việc, thậm chí làm rất tốt công việc của mình.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mô hình hướng nghiệp hiệu quả cho người tự kỷ không phải bắt đầu khi họ đã trưởng thành, mà phải từ giai đoạn sớm hơn. Trong giai đoạn can thiệp sớm (trước 6 tuổi), trẻ tự kỷ đã phải được huấn luyện các kỹ năng giao tiếp, quản lý hành vi, chăm sóc bản thân, giải quyết vấn đề… Một trẻ tự kỷ được can thiệp sớm tốt mới có thể tiếp cận chương trình hướng nghiệp.

Từng kinh qua nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngành viễn thông đến du lịch, tư vấn đầu tư… nhưng ông Nguyễn Đức Trung cho rằng dự án hướng nghiệp cho người tự kỷ Trái tim VAPS là thứ mình đổ dồn nhiều tâm huyết nhất, bởi nó tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng.

Dưới góc độ một nhà kinh tế, ông Trung cho rằng hướng nghiệp cho người tự kỷ không nên đặt tham vọng làm giàu, mà cố gắng giúp họ tham gia vào thị trường lao động, tạo cơ hội hòa nhập.

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 9

Kết quả khảo sát của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong năm 2022 cho biết 65% trong số 80 phụ huynh có con ở độ tuổi thiếu niên cho rằng việc hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh thiếu niên rối loạn phát triển là rất cần thiết.

Cũng theo ông Trung, người tự kỷ chỉ có thể tiến bộ khi được tương tác với mọi người. Đặc biệt, vấn đề hướng nghiệp cho người tự kỷ hết sức phức tạp, các gia đình không nên có tâm lý “gửi con”, phó thác mọi thứ cho thầy cô.

“Một bạn tự kỷ sẽ có 8 tiếng ở trung tâm, còn 16 tiếng còn lại sẽ cần phải có gia đình ở bên”, ông Trung chỉ ra. “Hướng nghiệp cho người tự kỷ cần đi theo mô hình ‘kiềng ba chân’ với sự tham gia của gia đình, xã hội, tổ chức như nhà trường, doanh nghiệp”.

Bên cạnh dự án Trái tim VAPS, hiện nay tại Việt Nam cũng đã có khá nhiều mô hình hướng nghiệp kết hợp đào tạo nghề, tổ chức sản xuất và bán hàng. Có thể kể đến Seed Center có hàng trăm sản phẩm của người tự kỷ, hay Vkagbe (sản phẩm trà hoa quả sấy), Hand in hand (các loại bánh), Tottochan (đồ thủ công mỹ nghệ),...

Hành trình hướng nghiệp và dạy nghề cho người tự kỷ tại Việt Nam và trên thế giới vẫn còn là cả một chặng đường dài. Thay vì chỉ tập trung “chăm bẵm”, cộng đồng cần “nuôi dưỡng” và tạo cơ hội cho người tự kỷ phát triển và hòa nhập.

“Giúp một bạn trẻ tự kỷ là phải nhìn vào tương lai của bạn ấy, từ đó ta mới có tâm huyết, năng lượng”, ông Trung khẳng định.

Hạnh phúc với người tự kỷ là gì? ảnh 10

Bài: Huy Vũ

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.