Trải qua hàng nghìn năm hình thành với bao thăng trầm lịch sử nhưng những chiếc giếng cổ Gio An chưa bao giờ cạn nước. Thay vào đó, dòng nước luôn mát lành và tuôn trào quanh năm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương và trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với Quảng Trị.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị, hệ thống giếng cổ Gio An hiện có 14 giếng cổ bao gồm: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn).
Các giếng cổ này đa phần nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Từ xưa đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ vẫn không bao giờ cạn và vẫn trong xanh và mát lạnh. Hệ thống giếng cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào năm 2001.
Nước trong các giếng cổ Gio An rất trong và sạch do được chảy ra từ các khe đá bazan. |
Qua những công trình nghiên cứu, các nhà khoa học xác định hệ thống giếng cổ ở Gio An được người Chăm xây dựng vào cuối thời đại đồ đá, ước tính ra đời cách đây khoảng 5.000 năm. Giếng cổ Gio An là những hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay. Hiện nay, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều nhưng các giếng cổ vẫn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
Ông Nguyễn Tiến Lực, Trưởng phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa qua hệ thống giếng cổ Gio An đã được tỉnh đưa vào khai thác thành một sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc của Quảng Trị.
Đây là loại hình di sản văn hóa duy nhất ở Việt Nam và các nước Đông Dương. Vì vậy, một mặt tỉnh đã tích cực bảo tồn di tích lịch sử này, mặt khác đưa hệ thống giếng cổ vào khai thác thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, từ đó đưa Gio An trở thành khu du lịch trọng tâm và hấp dẫn du lịch trong thời gian tới.
"Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu hệ thống giếng cổ Gio An đến với du khách nhiều hơn để biến Gio An là một điểm đến về du lịch cộng đồng, phát triển xứng tầm với giá trị của di tích lịch sử - văn hóa độc đáo này", ông Nguyễn Tiến Lực nói.