Quá trình khai thác tài liệu để thực hiện bài viết "Uẩn khúc sau bản án từ việc giám định thương tích", Zing.vn phát hiện thêm nhiều kết luận nghi là có "vấn đề" của Trung tâm Pháp Y (TTPY) Cà Mau. Những giám định này được thực hiện khi ông Trần Việt Bắc chưa bị kỷ luật cách chức Giám đốc.
Hiện, ông Bắc đã chuyển công tác về Trung tâm Y tế huyện Thới Bình làm cán bộ bình thường của phòng tổ chức.
Hai vụ án có thể đình chỉ điều tra?
Trao đổi với Zing.vn ngày 27/6, ông Nguyễn Đồng Tình, Viện trưởng VKSND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cho biết cơ quan tố tụng ở địa phương này đang điều tra lại hai vụ án bị TAND tỉnh Cà Mau hủy án sơ thẩm vào năm 2014 và 2016. Bốn bị can liên quan đã được tạm đình chỉ điều tra và họ đi làm ăn ở khắp nơi do cơ quan điều tra không còn áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Trung tâm Pháp y Cà Mau, nơi ông Bắc từng làm Giám đốc. Ảnh: Việt Tường. |
Vụ thứ nhất xảy ra vào chiều tối 13/11/2013, khi anh Trần Công Định (44 tuổi, ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) xảy ra đánh nhau với hàng xóm là bà Nguyễn Thị Hạnh. Bà Hạnh sau đó được khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa Cà Mau chẩn đoán bị hội chứng suy nhược sau chấn thương.
Căn cứ vào điều này, TTPY Cà Mau kết luận bà Hạnh bị thương tích 11% do "hội chứng sau khi chấn động não", cộng với 3% vì vết sẹo vùng đỉnh trái nên người này có tổng thương tích 14%.
Từ kết luận giám định (KLGĐ) do ông Bắc ký, tháng 8/2014, TAND huyện Trần Văn Thời tuyên bị cáo 12 tháng tù vì tội Cố ý gây thương tích. Anh Định sau đó kháng cáo và cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Tuy nhiên, bà Hạnh từ chối đi giám định lại nên số phận pháp lý của anh Định đang treo lơ lửng suốt 4 năm qua.
Vụ án thứ hai liên quan đến ba bị can Nguyễn Thái Nghiệp (26 tuổi), Nguyễn Minh Luân (36 tuổi) và Nguyễn Văn Điểm (30 tuổi, cùng ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời). Bị hại nhiều lần từ chối đi giám định thương tích lại là bà Trần Thúy Hằng (46 tuổi, ở xã Khánh Bình Tây Bắc).
Hồ sơ tố tụng thể hiện tối 16/6/2015, 3 bị can xảy ra đánh nhau với 3 người trong gia đình bà Hằng. Lúc đó, người phụ nữ này bị nghi do Nghiệp đánh vào mặt. Bà phải nhập viện một ngày sau với lý do "đau đầu".
Nửa tháng sau, bà Hằng vào viện lần hai với lý do "chấn thương đầu". Cuối tháng 7/2015, bác sĩ Trần Việt Bắc ký kết luận bà Hằng bị thương tích 41% do thị lực mắt phải, trái đều giảm còn 2/10.
Căn cứ vào tỷ lệ 41%, tháng 5/2016, TAND huyện Trần Văn Thời tuyên 3 bị cáo từ 30-36 tháng tù vì tội Cố ý gây thương tích. Nghiệp, Luân và Điểm sau đó kháng cáo kêu oan nên ba tháng sau, cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ mắt trái của bà Hằng do ai đánh, vì Nghiệp khai chỉ đánh trúng đầu nạn nhân.
Theo Viện trưởng VKSND huyện Trần Văn Thời, quá trình điều tra lại bà Hằng được đưa đi giám định tại Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM cho kết quả thương tích 0% vì thị lực mắt giảm do bệnh lý. Do đó, nếu bà Hằng từ chối giám định lại ở cấp cao hơn tại Hà Nội thì cơ quan công tố sẽ đình chỉ điều tra 3 bị can Nghiệp, Luân và Điểm. Tương tự, anh Định cũng sẽ được đình chỉ điều tra nếu bà Hạnh từ chối đi giám định thương tích lại.
Kết luận giám định do ông Bắc ký xác định bà Hằng bị thương tích mắt 41% nhưng giám định lại ở cấp cao hơn là 0%. Ảnh: Việt Tường. |
Cần xem lại nhiều kết quả giám định
Ông Trần Đắc Thuận, nguyên Phó giám đốc TTPY Cà Mau cho biết khi giám định cho bà Hằng, ông là người thực hiện nhưng không ký vào kết luận vì phát hiện bà này mắt bị bệnh lý tật khúc xạ. Vì vậy, KLGĐ chỉ có duy nhất chữ ký của ông Bắc. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau xác định kết luận chỉ có chữ ký của ông Bắc là vi phạm Khoản 3 Điều 28 của Luật Giám định tư pháp, vì đây là giám định tập thể, không phải giám định cá nhân.
Ông Thuận còn chỉ ra nhiều KLGĐ được cho là sai luật khi thư ký Huỳnh Liệt Em và phụ giám định Võ Bảo Toàn không phải là giám định viên nhưng ký vào KLGĐ (kết luận 183, ngày 14/6/2016; 285, ngày 13/9/2016).
"Ông Em và Toàn chỉ là người giúp việc cho giám định viên và không phải là người giám định vụ việc. Vì vậy, hai người này ký vào bản KLGĐ chính là sai. Hai người này chỉ được ký vào biên bản mà thôi", nguyên Phó giám đốc TTPY Cà Mau phân tích.
Phóng viên Zing.vn liên hệ ông Bắc để hỏi vì sao một số KLGĐ không có chữ ký của ông Thuận (vì giám định vụ việc không đồng ý) nhưng lại có chữ ký của những người giúp việc (không phải giám định viên) thì nguyên Giám đốc TTPY Cà Mau này cho rằng ông làm không sai và trước khi ký có tham khảo ý kiến cấp trên.
Còn KLGĐ bà Hằng là 41% nhưng giám định lại 0% thì ông Bắc nói việc giám định ở hai thời điểm khác nhau nên người được giám định không còn bệnh (0%). Còn ông Toàn thì trả lời là không nhớ có ký vào KLGĐ hay không.
Hai tuần trước, ông Thuận ký văn bản giải thích KLGĐ thương tích cho một phụ nữ phẫu thuật nâng mũi thẩm mỹ (nạn nhân trong vụ án liên quan đến bà Diệp Thị Thu, ở huyện Đầm Dơi).
Theo ông Thuận, các chứng cứ cận lâm sàng của người được giám định, nếu có giám định lại ở cơ quan cấp trên cũng không thể kết luận là viêm xoang sàng và gãy xương chính mũi vì tất cả được ghi là "theo dõi gãy xương chính mũi". Dù hồ sơ như vậy nhưng kết luận do ông Bắc ký trước đây cho rằng người từng nâng mũi bị "gãy thành bên trái xương mũi 9%" và "viêm nhẹ xoang sàng hai bên 11%".
Với kết quả này, TAND huyện Đầm Dơi tuyên bà Thu 2 năm tù và sau đó TAND tỉnh Cà Mau giảm còn 6 tháng tù.
Đối với KLGĐ của bà Nguyễn Thị Hạnh, ông Thuận nói: "Khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa Cà Mau chẩn đoán 'hội chứng suy nhược sau chấn thương' là một đường, còn TTPY Cà Mau kết luận bà Hạnh bị 'hội chứng sau khi chấn động não' là một nẻo. TTPY Cà Mau kết luận như vậy là sai vì chúng tôi không có chức năng giám định tâm thần".