Tại buổi lễ tưởng niệm, thị trưởng Matsui Kazumi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giải trừ hạt nhân một cách nghiêm túc như cách đối phó với đại dịch mà cộng đồng quốc tế công nhận là “mối đe dọa đối với nhân loại”.
“Vũ khí hạt nhân, được phát triển để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, là mối đe dọa hủy diệt hoàn toàn mà chúng ta chắc chắn có thể chấm dứt, nếu tất cả các quốc gia hợp tác cùng nhau", ông Matsui khẳng định. "Không có xã hội bền vững nào nếu vẫn còn những vũ khí liên tục sẵn sàng để tàn sát bừa bãi.”
Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới xuống Hiroshima vào ngày 6/8 năm 1945, gần như phá hủy thành phố và giết chết 140.000 người. Ba ngày sau, quả bom thứ hai được thả xuống Nagasaki, giết chết 70.000 người khác. Tới ngày 15/8, Nhật Bản đầu hàng, qua đó chấm dứt Thế chiến thứ hai và gần nửa thế kỷ nước này xâm lược châu Á.
Nhưng các quốc gia tiếp tục tích trữ vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh và tình trạng bế tắc vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Du khách cầu nguyện trước tượng đài dành riêng cho các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Ảnh: AP |
Hiệp ước toàn cầu về Cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực vào tháng 1 sau nhiều năm nỗ lực vận động của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử. Nhưng trong khi hơn 50 quốc gia đã phê chuẩn, Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác cùng với Nhật Bản, lại không ký vào thỏa thuận.
Trong bài phát biểu của mình, thị tưởng Hiroshima đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản “ngay lập tức” ký kết và phê chuẩn hiệp ước để đáp ứng mong muốn ấp ủ từ lâu của các nạn nhân. Ông cũng yêu cầu Nhật Bản cung cấp sự hòa giải hiệu quả giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân.
Thủ tướng Suga Yoshihide, người cũng tham dự buổi lễ ở Hiroshima, không đề cập đến hiệp ước và thay vào đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận "thực tế" hơn để làm cầu nối giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân cũng như bằng cách củng cố hiệp ước. Tại cuộc họp báo sau đó, ông Suga nói rằng không có kế hoạch ký hiệp ước.
“Hiệp ước thiếu sự ủng hộ không chỉ từ các quốc gia có vũ khí hạt nhân bao gồm cả Mỹ mà còn từ nhiều quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân,” ông Suga lý giải.
Một du khách cầu nguyện trước Vòm bom nguyên tử ở Hiroshima. Ảnh: AP |
Nhiều người sống sót sau hai vụ ném bom nguyên tử đã phải đối mặt với các tổn thương trên cơ thể do phơi nhiễm phóng xạ và sự phân biệt đối xử ngay trong xã hội Nhật Bản.
Tính đến tháng 3, tại Nhật Bản vẫn còn 127.755 người sống sót sau thảm họa, với độ tuổi trung bình hiện gần 84, họ được chứng nhận đủ điều kiện để được hỗ trợ y tế.
Buổi lễ tưởng niệm hôm thứ Năm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima đã bị thu hẹp quy mô đáng kể vì đại dịch COVID-19 và cũng bị lu mờ bởi Thế vận hội. Ngay cả đài truyền hình quốc gia NHK cũng nhanh chóng chuyển sang phát Olympic sau các bài phát biểu chính.