Đầu tháng 12, một ủy ban của tỉnh Hiroshima tuyên bố rằng 2 trong số 3 tòa nhà của Kho quân phục Hiroshima sẽ bị phá hủy vào năm 2022. Các tòa nhà này đã được xây dựng vào năm 1913 và được sử dụng để làm quân phục cho quân đội Nhật Bản và hiện đang trong tình trạng bỏ không.
Theo đơn thỉnh nguyện, cả 2 tòa nhà nên được bảo tồn một lời nhắc nhở về mối nguy của vũ khí hạt nhân. Cùng với Nagasaki, Hiroshima là thành phố hứng chịu sự hủy diệt của bom hạt nhân Mỹ, do địa thế quan trọng vào thời điểm năm 1945.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền thành phố đã cảnh báo rằng các tòa nhà sẽ không thể tồn tại sau các cuộc động đất gần đây, theo một cuộc kiểm tra được tiến hành 2 năm trước.
"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, sự cố sập nhà có thể gây tổn hại tới người dân trong thành phố", một quan chức thành phố Hiroshima chia sẻ.
Việc gia cố cả 3 tòa nhà sẽ tốn khoảng 77 triệu USD. Do đó, các quan chức thành phố đã đề xuất chỉ chọn gia cố một trong các tòa nhà và phá hủy hai tòa còn lại, phương pháp này chỉ tiêu tốn từ 13-28 triệu USD. Tuy nhiên, bất chấp đề xuất của chính quyền, người dân địa phương vẫn khẳng định rằng không nên phá hủy bất kỳ tòa nhà nào.
Ông Iwao Nakanishi, 89 tuổi, là một trong những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử năm 1945, cho biết chính ông đã ở bên trong một tòa nhà Kho quân phục khi vụ ném bom xảy ra.
"Căn cứ vào ý nghĩa lịch sử mà tòa nhà này có thể truyền lại cho cho thế hệ tương lai, chúng tôi cực lực phản đối việc phá hủy", ông Nakanishi nói.
Vào ngày 6/8/1945, máy bay ném bom B-29 mang tên "Enola Gay" của Mỹ đã thả quả bom nguyên tử "Little Boy" có sức công phá 20 kiloton xuống thành phố Hiroshima và giết chết ít nhất 140.000 người.
Tiếp tục vào 3 ngày sau, một máy bay ném bom khác của Mỹ đã ném quả bom nguyên tử "Fat Man" xuống thành phố cảng Nagasaki, khiến khoảng 70.000 người thiệt mạng và khiến hàng nghìn người khác bị thương . Chỉ vài ngày sau vụ đánh bom, chính phủ Đế quốc Nhật Bản đã đầu hàng Mỹ và các đồng minh, chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai.