Họ đã nói

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số là một thách thức – đó có lẽ là một mệnh đề không cần phải dài dòng chứng minh bằng số liệu. Công việc của chúng ta chỉ là làm thế nào để giải quyết thách thức đó..."

1. “Cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số là một thách thức”

“Cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số là một thách thức – đó có lẽ là một mệnh đề không cần phải dài dòng chứng minh bằng số liệu. Công việc của chúng ta chỉ là làm thế nào để giải quyết thách thức đó.

Họ đã nói ảnh 1

Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay.

Ngoài nỗ lực của chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính và liên chính phủ, trong đó có UNESCO và Liên Hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, trong nhiều thập kỷ đã liên tục xây dựng các chương trình hành động liên quan đến trẻ em gái dân tộc thiểu số. Báo chí cũng chưa bao giờ ngừng phản ánh và thúc đẩy sự thay đổi cho thực trạng này.

Nhưng hành trình vẫn rất dài. Những câu chuyện mà chúng ta được nghe ngày hôm nay, từ các nhà báo, vẫn nhang nhác những gì chúng ta nghe từ 20 năm trước, hay thậm chí là vẫn giống thời Tô Hoài đi thực địa Tây Bắc năm 1952, tức là từ 70 năm trước. Vẫn có những vùng đất mà các thành quả phát triển của xã hội chưa chạm tới được cuộc sống của những con người, những đứa trẻ. Và những lời kêu gọi hành động nhiều hơn, quyết liệt hơn chưa bao giờ là thừa.”

Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay

2. UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số

Họ đã nói ảnh 2

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

“Trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, chúng tôi ghi nhận sức mạnh không thể phủ nhận của báo chí trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi các bên liên quan thực hiện các hành động cần thiết. UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.”

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

3. Công bằng thông tin - Cân bằng tin tức - Bình đẳng tiếp cận - Làm đầy dữ kiện

“Báo chí với vai trò phản ánh dữ kiện được kỳ vọng tạo nên những sự đổi thay cho xã hội, mỗi nhà báo là một sứ giả trên mặt trận thông tin. Công dân đòi hỏi cần có những thông tin thực tế, đáng tin để đưa ra những lựa chọn có hiểu biết và độc lập. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin đó. Xã hội kỳ vọng được tiếp cận cơ sở dữ liệu thông tin về trẻ em gái, trong đó có trẻ em các dân tộc khác nhau; đồng thời báo chí cần phản ánh đúng thực trạng để thu hút sự quan tâm của cộng đồng và ở mức độ cao hơn, tạo nên sự thay đổi chính sách còn bất cập, lồng ghép thực tiễn vào những chính sách nhân văn vì cộng đồng.

Họ đã nói ảnh 3

TS Phan Thị Thùy Trâm, Tổng Thư ký Hội Nữ Trí thức Việt Nam.

Công bằng thông tin - Cân bằng tin tức - Bình đẳng tiếp cận - Làm đầy dữ kiện là 16 chữ chốt lại, kết thúc một cuộc tọa đàm đầy ắp những nội dung sâu sắc, tác động vào tâm trí mỗi nhà báo tham dự, tìm cho mình cách thức phù hợp hơn để khi tiếp cận và đưa tin về trẻ em gái ở những vùng khó khăn. Bởi, khi tốc độ và nhịp độ truyền thông đã không còn có giới hạn bởi thời gian, đằng sau tin tức là những thân phận con người.”

TS Phan Thị Thùy Trâm, Tổng Thư ký Hội Nữ Trí thức Việt Nam.

4. Nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này

Họ đã nói ảnh 4

Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai, Tạp chí Ngày nay.

“Tôi nhận ra việc góp phần vào thay đổi nhận thức của đồng bào nói chung hay của trẻ em nói riêng về cuộc sống mới không phải chỉ đến từ những bài báo. Thực sự cái ảnh hưởng đầu tiên là những người đến từ vùng đồng bằng, vùng phát triển kinh tế như tôi, như rất nhiều người, như chúng ta đã và đang có cuộc sống may mắn đủ đầy hơn đã gặp họ. Điều thứ hai chính là social – công cụ báo chí thời hiện đại. Tỉ lệ đồng bào dùng smart phone hiện nay cũng đã khá phủ đầy thôn bản.

Trẻ em nông thôn, miền núi ngày nay cũng như trẻ em thành phố ôm điện thoại, thiết bị điện tử mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra: Báo chí hôm nay có thể làm được gì trong việc thúc đẩy nhận thức về giá trị của bản thân, về tương lai của chính những đứa trẻ có đôi mắt long lanh mà tôi gặp nơi vùng cao? Tôi thấy tiếc vì những trang viết dài, đầy tâm huyết của rất nhiều nhà báo khó có thể đến tận tay hoặc nếu có đến thì không dễ dàng thôi thúc đồng bào thay đổi. Tôi mong muốn thấy những bài viết, tác phẩm báo chí social truyền đi thông điệp tích cực, vào nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này.”

Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai, Tạp chí Ngày nay.

5. Trách nhiệm của báo chí, có lẽ là xóa đi những sự cá biệt hóa

Họ đã nói ảnh 5

Nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO.

“Trách nhiệm của báo chí, có lẽ là xóa đi những sự cá biệt hóa và thực sự nêu ra các vấn đề có thể can thiệp một cách có hệ thống. Không còn cô bé người Mông thế này và cô bé người Nùng thế kia nữa. Viết như thế thì rất tiện: độc giả được thỏa mãn vì làm từ thiện tình huống, còn chúng ta xong việc sớm.

Chúng ta cần làm một loạt bài điều tra về việc tại sao em Nga và những bạn cùng lứa phải bỏ học, nhiều người bảo tôi hâm. Nhưng đằng sau số phận của nhiều con người đều là cách vận hành của một vùng đất; và đằng sau cách vận hành của một vùng đất, là cơ hội tìm thấy mạnh mối để cải thiện tình hình trên quy mô rộng.”

Nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO.

6. Đề bài đúng mới có “cần câu” chuẩn xác

Họ đã nói ảnh 6

Diễn viên Hoàng Xuân, Đại sứ chiến dịch “Xương rồng trên cát” vì Phụ nữ và Trẻ em bị buôn bán, bạo hành.

“Nếu các anh chị nhà báo đưa ra ‘đề bài’ một cách đúng đắn, thì những nhà hoạt động xã hội như chúng tôi mới có cơ sở, dữ liệu để phát triển, kêu gọi, có thể cung cấp ‘cần câu’ chuẩn xác nhất thay vì đưa đến những ‘con cá’, xử lý được gốc rễ của vấn đề và hướng đến một kết quả lâu dài. Còn những bài báo kêu gọi ủng hộ thì chỉ có thể huy động quyên góp được một số tiền trong phạm vi nhỏ. Số tiền đó chỉ mang tính chất hỗ trợ tạm thời và hẳn nhiên cũng sẽ hết rất nhanh. “

Diễn viên Hoàng Xuân, Đại sứ chiến dịch “Xương rồng trên cát” vì Phụ nữ và Trẻ em bị buôn bán, bạo hành.

7.Mỗi bước đi cần phải hết sức thiết thực mới có thể góp phần tạo nên sự thay đổi

Họ đã nói ảnh 7

Đạo diễn, Biên tập viên Phạm Hoàng Quỳnh Phương, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam.

“Tảo hôn ở tuổi 14, 15 tại miền núi là một vấn đề rất phổ biến. Đôi khi việc bỏ học của các em không phải do gia đình khó khăn, mà là do không tìm thấy hứng thú trong học tập, các em không biết được rốt cuộc việc học sẽ đem đến những lợi ích gì cho cuộc sống của mình. Đi cùng tình trạng ‘thừa thầy thiếu thợ’, việc cứ học tiếp lên đến cấp đại học cũng không đảm bảo được các em sẽ có việc làm. Bên cạnh đó, các em cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ ý kiến của những người lớn khác trong cộng đồng của mình, và cuối cùng các em lựa chọn bỏ học để đi làm.

Giải pháp thiết thực có thể đưa ra ngay lúc này là kết hợp đào tạo nghề vào chương trình học. Hoặc nếu nghiên cứu cho thấy các em có nhiều hứng thú với công nghệ, mạng xã hội, chúng ta cũng có thể hướng dẫn các em quảng bá du lịch dựa trên những kênh này. Mỗi bước đi cần phải hết sức thiết thực mới có thể góp phần tạo nên sự thay đổi.”

Đạo diễn, Biên tập viên Phạm Hoàng Quỳnh Phương, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam.

8.Hành vi của chúng ta có thể làm thay đổi và xáo trộn cuộc sống của đồng bào miền núi…

Họ đã nói ảnh 8

Nhà báo Thu Hà, Tạp chí Ngày Nay.

“Tôi đã viết bài báo đầu tiên về trẻ em gái vùng cao cách đây khoảng hai mươi lăm năm, khi mới bắt đầu làm nghề. Thế nhưng, đây vẫn luôn là một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại, và dường như ngày càng nghiệt ngã hơn.

Về nhận thức xã hội, bây giờ xã hội phát triển hơn, chúng ta có thể tiếp cận được rất nhiều hình ảnh đẹp về miền núi thông qua các kênh du lịch, các travel blogger, KOL đi ‘phượt’... Họ miêu tả cảnh miền núi thơ mộng, trẻ em váy hoa phấp phới... và những khung hình này có thể kích thích nhiều công dân thành thị đi du lịch, hay lập tức thực hiện những hành vi quyên góp mang tính thời vụ.

Hành vi của chúng ta có thể làm thay đổi và xáo trộn cuộc sống của đồng bào miền núi. Nếu để ý, các em có thể mặc những bộ áo rét được chuyển lên, nhưng phía dưới vẫn là những đôi chân trần. Đó chính là hình ảnh tượng trưng cho việc quyên góp này không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.”

Nhà báo Thu Hà, Tạp chí Ngày Nay.

Họ đã nói ảnh 9

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.