Cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số là một thách thức – đó có lẽ là một mệnh đề không cần phải dài dòng chứng minh bằng số liệu. Công việc của chúng ta chỉ là làm thế nào để giải quyết thách thức đó.
Ngoài nỗ lực của chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính và liên chính phủ, trong đó có UNESCO và Liên Hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, trong nhiều thập kỷ đã liên tục xây dựng các chương trình hành động liên quan đến trẻ em gái dân tộc thiểu số. Báo chí cũng chưa bao giờ ngừng phản ánh và thúc đẩy sự thay đổi cho thực trạng này.
Nhưng hành trình vẫn rất dài. Những câu chuyện mà chúng ta được nghe ngày hôm nay, từ các nhà báo, vẫn nhang nhác những gì chúng ta nghe từ 20 năm trước, hay thậm chí là vẫn giống thời Tô Hoài đi thực địa Tây Bắc năm 1952, tức là từ 70 năm trước. Vẫn có những vùng đất mà các thành quả phát triển của xã hội chưa chạm tới được cuộc sống của những con người, những đứa trẻ. Và những lời kêu gọi hành động nhiều hơn, quyết liệt hơn chưa bao giờ là thừa.
Để hành động nhiều hơn, biện pháp đơn giản nhất, là có thêm nhiều người cùng nhận thức về vấn đề hơn; có thêm nguồn lực từ xã hội để giải quyết vấn đề. Cho dù chỉ là một cá thể, một tổ chức hay là một nhà lập pháp quyết định sẽ dành thêm nguồn lực cho việc này, chúng ta sẽ sớm đến với ngày thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau”. Và để có thêm nhận thức, vai trò của báo chí là tiên quyết.
Tạp chí Ngày Nay thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam kể từ khi ra đời đã liên tục dành thời lượng để thúc đẩy quyền của đồng bào các vùng khó khăn nói chung, và trẻ em gái dân tộc thiểu số nói riêng. Nhưng chúng tôi chỉ là một tiếng nói nhỏ bé.
Cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số là một thách thức. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà báo cùng chung tay với sứ mệnh nâng cao nhận thức cho chủ đề này.
Trong một kỷ nguyên của Internet và sự thừa mứa thông tin, làm sao gây được sự chú ý của cộng đồng cho những chủ đề quan trọng như thế này, lại là thách thức riêng của từng nhà báo. Nhưng tôi tin rằng chỉ cần có thực tâm, chúng ta sẽ tìm được những phương cách đủ sáng tạo, tinh tế, để kiến tạo một xã hội bình đẳng, và tạo ra một bức tranh tương lai giáo dục có trẻ em gái dân tộc thiểu số, như tên của tọa đàm.