Hồ Gươm – dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, được bao quanh bởi phố Hàng Khay – Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng.
Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này.
Một phần quang cảnh hồ Gươm, hướng nhìn ra cầu Thê Húc vào năm 1896. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Qua việc quy hoạch của người Pháp, hồ Gươm như một Giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc của văn hóa Đông – Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó tạo nên dấu ấn rất riêng cho hồ Gươm và Phố cổ ngày nay.
Dự án tham vọng
Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội. Thực chất, Hà Nội lúc này là một điểm dân cư hỗn hợp với khu hành chính, khu buôn bán, nhiều làng mạc nằm sát nhau. Hồ Gươm vẫn mang dáng dấp của một ao hồ nông thôn với những cầu ao phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày.
Jules Boissiere, một nhà văn, nhà báo có mặt trong đoàn quân viễn chinh Pháp lúc đó, nhận xét:
Xung quanh hồ, các túp lều của dân bản xứ san sát nhau đến nỗi để xuống được hồ, người ta phải len lỏi qua những ngõ ngách chật hẹp…
Từ năm 1884 trở đi, hồ Gươm thành trung tâm của công cuộc quy hoạch, chỉnh trang thành phố Hà Nội. Người Pháp bắt tay vào việc làm đường nối khu Nhượng địa với khu vực Trường Thi – Hoàng Thành cũ và con đường rộng 10 mét xung quanh hồ.
Họ cũng yêu cầu thu dọn vệ sinh, dỡ bỏ tất cả nhà tranh và cấm xây công trình mới trên khu vực này. Phố Hàng Khảm (Hàng Khay ngày nay) trở thành con đường đầu tiên trong danh sách Mạng lưới tuyến đường chiến lược.
Thời điểm đó, chỉ phố Hàng Khảm (tương đương Tràng Tiền - Hàng Khay ngày nay), với một đầu là Đồn Thủy nối với cuối phố cũng có một trại lính Pháp, là có nhà ở và cửa hiệu. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Theo quy hoạch của người Pháp, phía Đông hồ Gươm là quỹ đất xây dựng các cơ quan hành chính, chính trị đầu não của Chính quyền như: Tòa Đốc lý, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Bưu điện, Ngân hàng,… Cụm công trình này kết hợp với vườn hoa tạo thành một tổng thể trọn vẹn được thiết kế và xây dựng hoàn toàn theo phong cách quy hoạch, kiến trúc Pháp.
Người Pháp đã quy hoạch chỉnh trang Hà Nội theo hình thái đô thị phương Tây. Lấy con người sống trong đô thị làm trung tâm nên quy hoạch hướng tới việc phục vụ không gian sống, nhu cầu đi lại, sinh hoạt. Nhiều vườn hoa, công viên, quảng trường đã xuất hiện ở khu vực xung quanh hồ Gươm tạo nên một diện mạo mới.
Dự án đại lộ quanh Hồ (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay) được hình thành từ năm 1884 nhưng mãi đến năm 1888 mới chốt được sơ đồ từng phần. Người Pháp cho đây là tuyến phố đi bộ - một công trình công ích sẽ góp phần làm đẹp khu phố Tây. Đại lộ được bắt đầu xây dựng từ năm 1891 nhưng đến năm 1893 mới hoàn thành.
Sơ đồ từng phần của dự án đường quanh Hồ vẽ ngày 5/5/1888. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Năm 1885, quân đội Pháp đã có xe điện để vận chuyển người từ khu Nhượng địa vào thành Hà Nội. Nhưng mãi đến năm 1894, dự án thiết lập mạng lưới tàu điện cho Hà Nội và vùng ngoại ô mới được đưa ra, dù còn nhiều bất hợp lý. Năm 1899, thỏa thuận về thiết lập hệ thống tàu điện trong thành phố Hà Nội và vùng ngoại ô được ký kết chính thức và năm 1900 thì tiến hành.
Paul Boudet, Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, nhận định:
Mấy năm qua, Hà Nội đã mất phần lớn những cấu thành dáng vẻ ngày xưa. Bên những đường phố đẹp đẽ xứng với xe cộ ngược xuôi, vỉa hè không một chỗ gồ ghề, các đại lộ rộng lớn bóng cây.
Bên cạnh việc xây dựng một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán và dịch vụ, người Pháp chú trọng xây dựng một số cơ sở công nghiệp như Nhà máy xe điện Hà Nội (1900), Nhà máy Điện bờ Hồ (1899-1902),…, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh Hồ để đảm bảo đầy đủ tiện nghi đô thị, phục vụ cho hoạt động kinh tế và cư trú của người Pháp.
Từ tháng 10/1886 đến năm 1888, khu phố Pháp ở phía Đông hồ Gươm và phía Bắc trục đường Paul Bert đã dần được hoàn thiện. Để có đất làm đường và xây dựng khu phố này, chính quyền Pháp đã phá hủy một số ngôi chùa ở khu vực xung quanh hồ Gươm, bất chấp sự phản đối của người dân Hà Nội, thậm chí là một số quan chức Pháp.
Trong đó, Paul Boudet là một trong những người đưa ra ý kiến phản đối mạnh mẽ nhất. Bởi theo ông, lợi ích của một số công trình và địa điểm không chỉ nằm trong vẻ đẹp của chúng mà còn nằm trong các kỷ niệm lịch sử mà chúng gợi ra. Làm sống lại những kỷ niệm là “lý do mới để gắn chúng ta vào những công trình hay địa điểm đó và buộc chúng ta phải bảo vệ chúng”.
Trung tâm dịch vụ, giải trí
Với mong muốn biến hồ Gươm và vùng phụ cận thành trung tâm văn hóa, chính trị, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và giải trí của Hà Nội, người Pháp đã xây dựng một hệ thống dày đặc những công trình dinh thự, cơ quan hành chính, công sở ở phía Đông hồ Gươm.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, hãng buôn mọc lên xung quanh Hồ. Các trung tâm vui chơi, giải trí kiểu Âu ra đời như: Nhà hát Lớn thành phố, câu lạc bộ, bể bơi đã kịp thời phục vụ nhu cầu của dân cư bản địa và người Pháp sinh sống trong những phố Tây.
Chợ hoa quanh hồ Gươm đầu thế kỷ 20. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Sự chuyển mình thành trung tâm dịch vụ, giải trí của hồ Gươm cũng phả một làn gió mới vào đời sống vật chất tinh thần của người Hà Nội, giúp họ dễ tiếp cận với lối sống Tây hóa. Từ khẩu vị ẩm thực (bánh mì, nước đá, cà phê, bia) cho đến gu thưởng thức nghệ thuật đều có sự giao thoa, thay đổi.
Những rạp chiếu bóng, quán cà phê mọc lên ngày càng nhiều, nằm rải rác từ bến xe điện đến nhà Khai trí Tiến Đức – nơi sinh hoạt của những trí thức Tây học hàng đầu Hà Nội. Xe điện lúc này đã trở thành phương tiện phổ biến với người dân, hành khách chủ yếu là những người buôn bán.
Tầng lớp trung lưu, thanh niên thành thị thường chọn dạo chơi quanh bờ Hồ, còn giới thượng lưu, trí thức thì chọn các tiệm cà phê, vào Khai trí Tiến Đức hoặc đi nghe nhạc, khiêu vũ tại Nhà Thủy tạ bên Hồ.
Cho tới nửa đầu thế kỷ XX, đời sống văn hóa, tinh thần của người Hà Nội mới có những biến đổi sâu sắc khi xuất hiện tầng lớp công chức và thị dân bản xứ. Họ thay đổi các ăn mặc, cách trang trí nhà cửa và giải trí theo lối phương Tây.