Không phủ nhận người Pháp đã để lại một đô thị với lối kiến trúc thể hiện sự giao thoa hài hòa giữa hai nền văn hóa, kiến trúc phương đông và phương tây cho Hà Nội, các công trình vẫn còn tồn tại và được sử dụng cho đến ngày nay, phù hợp về công năng, hình thức kiến trúc gần gũi thiên nhiên và thời tiết, khí hậu Việt Nam.
Tuy nhiên, khi nền kiến trúc đương đại thế kỷ 21 phát triển không giới hạn, đối với khu vực xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, dù là ở ý tưởng nào, bản sắc dân tộc hay hiện đại, chúng ta cần những phương án sáng tác mang tính dấu ấn Việt Nam, thậm chí là đột phá thì UBND Thành phố Hà Nội cùng với cơ quan tham mưu là Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lại vừa phê duyệt phương án cầu Trần Hưng Đạo với phương án kiến trúc “Xứ Đông Dương” mang “phong cách cổ điển xứ Đông Dương”, một cái tên rất kỳ và khôi hài.
Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, kiến trúc chia làm hai thời kỳ: Kiến trúc cổ Việt Nam và Kiến trúc Việt Nam hiện đại. Kiến trúc Việt Nam hiện đại gồm có ba phong cách chung: Kiến trúc Pháp thuộc, Kiến trúc hiện đại sau 1954 và Kiến trúc đương đại. Trong Kiến trúc thời pháp thuộc có 7 phong cách gồm: Phong cách kiến trúc thực dân tiền kỳ, phong cách tân cổ điển, Phong cách kiến trúc địa phương Pháp, Phong cách kiến trúc Art Deco, phong cách kiến trúc Đông Dương, Kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo. Lịch sử kiến trúc Việt Nam chưa từng ghi nhận cái gọi là “phong cách cổ điển xứ Đông Dương”, tên gọi này cho thấy việc sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ kiến trúc rất tùy tiện, nửa mùa. Giới KTS nên gọi đây là phong cách "thực dân nửa mùa" mới lột tả hết độ khôi hài của cây cầu nếu nó được phê duyệt và xây dựng ở thế kỷ 21.
Theo các báo đưa tin, đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế TEDDI cho biết Phương án “Xứ Đông Dương”, mang ý tưởng kết nối hiện tại và tương lai, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính của xứ sở đầy màu sắc, sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương. Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Chủ tịch hội đồng đánh giá phương án được chọn là “phương án mang dáng vẻ cổ điển với tiêu chí là cây cầu có tính chất văn hóa, kết nối cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với nhiều công trình kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp và Đông Dương sang khu vực phát triển hiện đại Bắc sông Hồng”.
Nói tới Xứ Đông Dương, cần tìm lại nguồn gốc là cái tên Xứ Đông Dương được người Pháp đặt cho khu vực Đông Nam Á ngày nay gồm lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia. Đông Dương được dịch từ Indochina, từ tiếng Pháp có nghĩa là khu vực “văn hóa Trung Quốc bị Ấn Độ hóa”.
Vậy cây cầu mang tên Trần Hưng Đạo, nối liền khu trung tâm 4 quận nội thành cũ Hà Nội lại mang phong cách "Xứ Đông Dương", thì yếu tố dân tộc ở đâu, tự hào dân tộc ở đâu, tính chất văn hóa ở đâu, yếu tố kiến trúc Việt Nam ở đâu? Cái gọi là ý tưởng này thể hiện người thiết kế không những không có đầu tư nghiên cứu mà còn rất thiếu hiểu biết và cẩu thả, tùy tiện.
Phương án cầu Trần Hưng Đạo vừa được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt với sự đồng ý của 13/15 thành viên hội đồng là một phương án kiến trúc thể hiện sự yếu kém, tư duy tụt hậu cả thế kỷ. Phương án nếu được triển khai sẽ kéo tụt tư duy, ngòi bút của một thế hệ sáng tác kiến trúc đến cả thế kỷ. Hơn nữa kiểu kiến trúc cầu này chỉ phù hợp với những dòng sông nhỏ, êm đềm bên trời Âu. Ở thế kỷ này, tôi cũng như bao người sẽ mong đợi một phương án cầu với lối kiến trúc mang tính đột phá và vươn xa hơn thế.
Cầu Trần Hưng Đạo theo quy hoạch là cây cầu nằm trong phạm vi 4 quận nội thành cũ, kết nối khu đô thị phía Bắc với trung tâm Hà Nội do công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lên phương án. Việc xây dựng cầu Trần Hưng Đạo cùng 5 cây cầu khác nhằm khép kín và tạo sự liên kết các đường vành đai, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng, hỗ trợ cho nhau về mặt giao thông, nối liền các trục vành đai, hướng tâm hoặc đường liên khu vực nên có vai trò rất quan trọng với giao thông của Hà Nội, khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cũng như phục vụ giãn dân cơ học, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ.
Phương án “Xứ Đông Dương” vừa được phê duyệt như một sự xúc phạm thế hệ kiến trúc sư thế kỷ 21, nếu cây cầu được triển khai xây dựng sẽ đập nát những ý tưởng mới, kìm hãm tư duy, ngòi bút và sự phát triển của nền kiến trúc Việt Nam.
Sông Hồng cuộn chảy đã chứng kiến bao thăng trầm của Thủ đô, một dòng sông hùng mạnh song hành với dòng chảy của lịch sử cần có một chiếc cầu xứng tầm và ghi dấu ấn thời đại mới bên cạnh những chiếc cầu cũ mang tính lịch sử. Dù ở ý tưởng nào, phong cách nào, chúng ta cần có một phương án đột phá chứ không phải mãi mãi một lối mòn với tư duy sáng tác lai căng, nửa mùa, thiếu sáng tạo, kéo tụt tư duy sáng tác của cả một thế hệ kiến trúc sư tụt hậu và đi lùi hàng thế kỷ .