Theo kết quả các cuộc khảo sát tư nhân được công bố ngày 1/6, hoạt động của các nhà máy ở nhiều nước châu Á, từ Nhật Bản tới Malaysia, giảm trong tháng 5. Đây là một dấu hiệu thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách siết chặt chính sách tiền tệ mà không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) Caixin/Markit của Trung Quốc ở mức 48,1 trong tháng 5, cải thiện chút ít so với mức 46 trong tháng 4, song vẫn thấp dưới ngưỡng 50 - ngưỡng phân chia giảm và tăng.
Kết quả khảo sát này phù hợp với số liệu chính thức của Trung Quốc công bố ngày 31/5 cho thấy hoạt động của các nhà máy ở nước này giảm với tốc độ chậm hơn trong tháng 5.
Nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, Toru Nishihama nhận định: "Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa sẽ dần giảm bớt khi thành phố Thượng Hải nới lỏng phong tỏa. Lạm phát gia tăng đang buộc một số ngân hàng trung ương ở châu Á siết chặt chính sách tiền tệ. Cũng có nguy cơ xảy ra biến động thị trường do việc Mỹ tăng lãi suất. Với những rủi ro như vậy, nền kinh tế châu Á có lẽ vẫn yếu trong phần lớn năm nay".
Việc Trung Quốc áp đặt phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 cùng với cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và logistic ở châu Á cũng như trên toàn cầu.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận sản lượng giảm mạnh trong tháng 5.
Cụ thể, theo cuộc khảo sát PMI, hoạt động chế tạo của Nhật Bản trong tháng 5 tăng với tốc độ yếu nhất trong 3 tháng qua và các nhà chế tạo Nhật Bản tiếp tục ghi nhận chi phí đầu vào tăng.
Hoạt động của các nhà máy ở Philippines cũng giảm xuống mức 54,1 so với mức 54,3 trong tháng 4, trong khi Malaysia ghi nhận giảm từ mức 51,6 tháng 4 xuống 50,1 trong tháng 5.
Một tia hy vọng là xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 5 tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng 4 nhờ xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ tăng mạnh bù đắp cho những tác động từ Trung Quốc.