Học trò ở TPHCM trong buổi tư vấn chuyên đề về tình bạn qua mạng xã hội. (Ảnh: Hoài Nam)
Nhập viện vì… thấy con trên mạng xã hội
Tìm đến chuyên gia tâm lý sau khi “trải nghiệm” Facebook của con gái lớp 8 ở TPHCM, chị H.D.H. vẫn không hoàn hồn. Chị luôn tự hào về cô con gái học giỏi, lễ phép và điều chị hài lòng, yên tâm nhất là con mình rất ngoan, không thể nào bị tác động với những thói hư tật xấu . Chị cũng cấm tiệt cháu sử dụng điện thoại, máy tính ở nhà chị hoàn toàn tin rằng con mình chỉ dùng cho việc học.
Đến khi bố của cô bạn gái thân nhất của con gái chị, cả hai được gọi là cặp đôi ngoan ngoãn hốt hoảng tìm đến nhà. Ông mở điện thoại, chìa cho chị xem Facebook của hai cháu. Chị nhìn đi nhìn lại, mới đầu không tin hình ảnh đại diện cô học trò chu mỏ đỏ choét, ăn mặc hở hang với những lời lẽ mời mọc kết bạn nhố nhăng lại là cô con gái ngoan nhà mình.
Chưa kể, nội dung, ngôn từ cháu viết trên trang nhà của cháu cũng như đoạn chát chít giữa “đôi bạn mẫu mực” toàn những chửi bởi, đánh ghen yêu đương động trời. Chị đấm ngực, thở gấp, lặp đi lặp lại rằng không phải con tôi.
“Tôi không nghĩ là nó biết phây búc phây béc gì đó” - kể cả lúc này chị vẫn chưa tin vào sự thật này. Cũng may người mẹ chưa làm ầm ĩ ngay mà còn bình tâm để tìm đến chuyên gia tâm lý để tìm cách vượt qua khủng hoảng.
Chị Nguyễn Thị Thúy kể về trường hợp bà chị họ mình ở Củ Chi, TPHCM đã phải nhập viện cấp cứu sau khi vô tình lướt vào Facebook của cô con gái 15 tuổi. Trong mắt người mẹ, cháu ngoan và nhút nhát đến độ chị hay nói đùa “sau này không lấy nổi chồng”. Vậy mà, qua mạng xã hội, trước mắt chị là ảnh cháu khoe thân, ôm hôn, thậm chí công khai cả ảnh “nóng” trong nhà nghỉ cùng bạn trai với những lời lẽ rất bạo dạn, tự hào.
“Bả kêu khóc, túm tóc con gái vừa giật vừa đánh. Tưởng rằng cô con gái ngoan sẽ sợ hãi, biết lỗi đâu ngờ lúc này cháu vừa khóc, vừa hét toáng lên vào chê mẹ lạc hậu, cổ hủ đầy thách thức” - chị Thúy kể.
Lò xo nén thì bật mạnh!
ThS Phạm Thị Tuynh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Mỹ cho hay, chẳng những các em ở bậc học lớn hơn mà ngay ở bậc tiểu học, bà cũng đã gặp những học trò giỏi bên ngoài rất mẫu mực, lễ phép. Thế mà em biến thành một con người khác khi xuất hiện trên mạng trên mạng xã hội, chửi thề, nói bậy rất ghê gớm mà nếu biết thì giáo viên, phụ huynh sẽ sốc không tin nổi. Nhưng trường hợp như vậy bây giờ có thể nói là rất nhiều.
“Ăn ngủ” với thế giới ảo nhưng các bạn trẻ bỏ quên sự an toàn của bản thân. (Nghiên cứu của ThS Nguyễn Lan Hải chỉ 2% bạn trẻ đọc điều khoản sự dụng mạng xã hội)
Lý giải về những trường hợp học trò ngoan “nổi loạn” trên mạng xã hội, ThS Nguyễn Lan Hải bày tỏ đôi khi các em ngoan, mẫu mực bị dồn nép trước những kỳ vọng, áp lực của gia đình, nhà trường. Các em như một lò xo bị nén chặt, buông xả láng khi có môi trường khác ngoài “vùng kiểm soát”. Và lúc này, còn ghê gớm và có sức công phá ghê gớm hơn những em cá tính, quậy phá sẵn trong mắt người lớn.
Về sâu xa, bà Hải trăn trở về việc giáo dục của chúng ta thường mang tính hù dọa, áp đặt, gây sợ hãi với mục đích tạo ra những đứa trẻ nghe lời chứ không phải là sự tương tác hai chiều. Một mặt các em chấp nhận nhưng một mặt tìm sự tự do ở nơi khác.
Và điều nguy hiểm nhất là khi các em “chơi lén”, không được hướng dẫn nên dẫn đến thiếu các kỹ năng, kiến thức bảo vệ mình ở thế giới ảo ngoài cuộc sống thực nên dễ gặp rất nhiều “cạm bẫy”.
“Bố mẹ hay mặc định rằng con mình là thế này, thế nọ mà sao nhãng việc nắm bắt tâm tư, tâm lý lứa tuổi. Khoảng cách thế hệ ngày càng xa, bố mẹ con cái ở cạnh nhau, tưởng rằng hiểu nhau lắm nhưng thật không biết gì về nhau. Tương tác trong đời sống thực của chúng ta không thật”, ý kiến của một chuyên gia tâm lý.
Ông Nguyễn Công Quốc Cường, hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm, Q. Phú Nhuận, TPHCM bày tỏ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại khái niệm con/trò ngoan. Người lớn vẫn còn khư khư quan điểm trẻ làm trái ý mình, quan điểm khác là hư, còn những đứa trẻ nhất nhất nghe lời là ngoan. Điều này dẫn đến việc giáo dục có thể gây thiệt thòi cho nhiều trẻ có cá tính độc lập, ý kiến riêng cũng như có thể bị mất kiểm soát với những em được xem là ngoan.
“Chúng ta phải nhìn thẳng học trò ngoan/hư không thể hiểu như cách cũ để bố mẹ, thầy trò có thể chia sẻ, gắn kết nhiều hơn nữa thì mới tránh được những chuyện đau lòng cũng như để có thể chủ động hơn trong giáo dục ”, ông Cường nói.
“Ngu ngơ” với mạng xã hội
Theo kết quả khảo sát với hơn 8.000 bạn trẻ từ độ tuổi 10 - 30 của nhóm tác giả do ThS Nguyễn Lan Hải làm chủ nhiệm thì có đến đến 88% không đọc các điều khoản sử dụng mạng xã hội, 10% đọc lướt và chỉ 2% là có đọc.
Tâm trạng khi tranh luận ở mạng xã hội mà các bạn trẻ thường gặp là hào hứng, được đồng cảm, thấy mình là một phần của tập thể, cay cú vì bị thua, buồn vì cảm thấy bất công… Cũng như việc các em có thể xây dựng một hình ảnh trên mạng xã hội khác hẳn con người bên ngoài của mình.
Theo Dân Trí