Jakarta - thành phố đông dân nhất khu vực và được mệnh danh là “thủ phủ ngoại giao” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - đang trong những bước chạy nước rút cuối cùng cho việc đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan kéo dài từ ngày 5-7/9 với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng.”
Bên cạnh sự hiện diện của người đứng đầu 9 tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), chuỗi hội nghị có quy mô lớn nhất từng được tổ chức trong lịch sử ASEAN này sẽ thu hút lãnh đạo các nước thành viên, Timor Leste với tư cách quan sát viên, 9 nước đối tác đối thoại đồng thời là các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), cùng 2 quốc gia khách mời là Bangladesh (Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Vành đai Ấn Độ Dương - IORA) và Quần đảo Cook (Chủ tịch Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - PIF).
Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 hồi tháng 5 tại thị trấn ven biển Labuan Bajo, đây là chuỗi hội nghị cấp cao thứ hai và cũng là chuỗi hội nghị quan trọng nhất trong năm được Chủ tịch ASEAN Indonesia đẩy sớm so với lịch trình thường lệ từ 1-2 tháng, với mục đích thúc đẩy sớm hoàn tất các sáng kiến ưu tiên, nhiệm vụ trong năm của ASEAN và có thể kịp thời đưa ra các quyết sách, chỉ đạo cần thiết thay vì đợi đến cuối năm, cũng như phù hợp với lịch trình của các sự kiện quốc tế lớn khác như Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các Nền kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Ấn Độ.
Trong thời gian qua, ASEAN đã đạt được những hiệu suất kinh tế vĩ mô hết sức tích cực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm ngoái đạt 5,7% nhờ đáng kể vào tiêu dùng, thương mại và đầu tư nội khối; tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và đầu tư đều tăng lên mức kỷ lục, lần lượt đạt 3.800 tỷ USD (tăng 14,9%) và 224,4 tỷ USD (tăng 5,5%), giữa lúc cả thế giới vẫn đang chịu nhiều hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như những bất ổn về địa chính trị. Trong bối cảnh đó, chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm duy trì, củng cố khả năng phục hồi (hiện tại); tận dụng, phát huy các động lực mới (tương lai gần); và xây dựng tầm nhìn dài hạn (tương lai xa).
Trên tinh thần đó, chuỗi hội nghị lần này tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế, và biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng. Trước đó, ASEAN đã thông qua các Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I (hay còn gọi là Tuyên bố Bali I, và là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác - TAC) vào năm 1976, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II, dẫn đến sự ra đời của Hiến chương ASEAN và là tiền đề hình thành Cộng đồng ASEAN) vào năm 2003, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN III (Tuyên bố Bali III về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu) vào năm 2011.
Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy với mục tiêu thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, làm nền tảng cho Tầm nhìn ASEAN 2045 - văn kiện quan trọng mang tính chất “kim chỉ nam” giúp ASEAN vững vàng tiến lên phía trước. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của nước Chủ tịch ASEAN 2023 với tiêu chí “ASEAN phục hồi, đổi mới, năng động và lấy con người làm trung tâm”, trên cơ sở cụ thể hóa các thành tố chính trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 được thông qua tại cuộc họp ở Labuan Bajo vào tháng 5/2023.
Liên quan đến trọng tâm thứ hai - “ASEAN Tầm vóc”, hội nghị sẽ thảo luận và thống nhất một số nội dung bao gồm Quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các hội nghị cấp cao ASEAN, nhất là trong các tình huống khủng hoảng. Bên cạnh đó, ASEAN cũng sẽ thảo luận về sự cần thiết tăng cường các hoạt động ngoại giao tại Jakarta – nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN (ASEC), như gia tăng quyền ra quyết định cho các đại sứ - đại diện thường trực các nước tại ASEAN; thúc đẩy ASEC thông qua việc tổ chức các hội nghị tại đây; tăng cường vai trò của Tổng thư ký ASEAN; và gia tăng nguồn kinh phí đóng góp.
Trọng tâm thứ ba- “Tâm điểm tăng trưởng” là nội dung được các nhà lãnh đạo ASEAN ưu tiên tập trung thảo luận nhằm đạt được sự thống nhất thông qua một tuyên bố cấp cao. Các thành tố trong tuyên bố này bao gồm: Thúc đẩy phục hồi trong ASEAN để sẵn sàng ứng phó với các cú sốc trong tương lai với nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng…; tận dụng các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế biển xanh... Một số nội dung đã được nhất trí tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 và sẽ được chuyển thành các kế hoạch hành động, hoặc được thúc đẩy dưới hình thức quan hệ đối tác với các nước đối tác tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43.
Liên quan đến trọng tâm thứ tư, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Chủ tịch ASEAN năm 2023 sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF), quy tụ những người ra quyết sách và khu vực tư nhân nhằm trao đổi ý tưởng, thảo luận về hợp tác kinh tế và khai thác tiềm năng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì hòa bình và sự phát triển thịnh vượng của người dân. AIPF là nền tảng bao trùm nhằm thúc đẩy hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng tại khu vực này. Diễn đàn này tập trung vào 3 chủ đề hết sức thời sự là cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; chuyển đổi kỹ thuật số và kinh tế sáng tạo; tài chính đổi mới và bền vững. Trong đó, 2 lĩnh vực đầu tiên được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng của khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai.
Phát huy vai trò trung tâm của mình, tại chuỗi hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ chỉ đạo, định hướng cho hợp tác với một số đối tác quan trọng trong các lĩnh vực cụ thể. Với Trung Quốc, là thúc đẩy đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), trong đó có tính đến các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số; thúc đẩy hợp tác sâu hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại điện tử... Với Nhật Bản, là đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, v.v... Với Hàn Quốc, là nghiên cứu sớm khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA). Với Ấn Độ, là thúc đẩy rà soát, đàm phán Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (AITIGA) kết thúc vào năm 2025, với các tiêu chí thân thiện, đơn giản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Với Australia và New Zealand, là thúc đẩy hoàn tất việc ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) trong năm 2023. Với 3 đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong ASEAN+3, là thống nhất phát triển hệ sinh thái xe điện.
Dự kiến, khoảng 50 văn kiện sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận và thông qua, liên quan đến nhiều vấn đề, nội dung xuyên suốt trong cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Đây là kết quả của nhiều tháng đàm phán kéo dài trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham dự chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng cho biết dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan, Việt Nam đã tham gia rất tích cực, có những đóng góp cụ thể và thực chất vào các sáng kiến và văn kiện mà ASEAN trình lên hội nghị để các nhà lãnh đạo thông qua.
Theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, ngay từ năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất là đã đến lúc ASEAN cần nhìn xa hơn và đưa ra các định hướng phát triển tương lai sau năm 2025. Tiếp tục triển khai sáng kiến của năm Chủ tịch Việt Nam, hội nghị lần này sẽ đặc biệt tập trung thảo luận và dự kiến thông qua bộ văn kiện hết sức quan trọng là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về Tầm nhìn ASEAN năm 2045.
Với tâm thế sẵn sàng, chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục mang tới nhiều đóng góp quan trọng cho thành công chung của hội nghị, cùng mong muốn về một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát triển, vững mạnh và là lực lượng hạt nhân trong duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.