Tham gia Đoàn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam Trần Hồng Hà; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Ủy ban sông Mekong quốc tế đã được thành lập từ 1956 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để điều phối tài trợ và quản lý tài nguyên trong lưu vực. Đến 1995, bốn nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mekong 1995 và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).
Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mekong. Hiệp định còn tiến xa hơn các văn kiện của các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác về các quy định cụ thể và chặt chẽ về quy chế sử dụng nước, trong đó có 5 bộ Thủ tục quy định về đảm bảo dòng chảy mùa khô; số lượng nước; chất lượng nước, thông báo, tham vấn trước khi xây dựng các công trình dòng chính Mekong.
Từ năm 2010, Ủy hội đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao 4 năm một lần. Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của Ủy hội sông Mekong được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan. Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong được tổ chức vào tháng 4/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Sau hơn 20 năm thành lập, Ủy hội sông Mekong đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác lưu vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, nghề cá, liên kết giao thông thủy, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.
Việc Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba khẳng định sự quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong trên tinh thần Hiệp định Mekong 1995, góp phần tăng cường vai trò của Ủy hội cũng như sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước thành viên vì lợi ích chung.
Đối với Việt Nam, sông Mekong có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hàng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số nước ta.