Bác sĩ Amar cho rằng thực tế trên phản ánh hiệu quả của việc tiêm chủng đầy đủ trong việc làm giảm các trường hợp nhập viện và tử vong. Hiện nay, số người chưa tiêm chủng chỉ chiếm một nhóm nhỏ, nhưng lại là nhóm có số ca tử vong cao nhất. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là tiêm chủng đầy đủ vẫn mắc COVID-19 và vẫn có nguy cơ tử vong. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay hay giãn cách xã hội.
Bác sĩ Amar cho biết thêm trong số những người đã tiêm đầy đủ nhưng vẫn tử vong vì COVID-19, số người tiêm vaccine của hãng Sinovac chiếm tỷ lệ cao nhất với 72,8%, tương đương 1.573 người. Do vậy, bác sĩ này khuyến cáo những người trên 60 tuổi có bệnh nền đã tiêm vaccine của hãng Sinovac nên tiêm liều tăng cường bằng vaccine mRNA. Nguyên nhân là do vaccine mRNA như của Pfizer hay Moderna hiệu quả hơn đối với biến thể Delta.
Đối với các loại vaccine khác, bác sĩ Amar cho biết có 52,1% dân số Malaysia được tiêm vaccine của Pfizer, cao hơn so với mức 39% tiêm vaccine của Sinovac. Theo thống kê, 550 người tiêm đủ liều vaccine của Pfizer nhưng vẫn tử vong vì COVID-19. 75% trong số này là từ 60 tuổi trở lên và 94% có bệnh nền. Trong khi đó, vaccine của AstraZeneca được tiêm cho 8% dân số Malaysia và chỉ ghi nhận 36 ca đã tiêm đủ liều vaccine này nhưng vẫn tử vong vì COVID-19, chiếm 1,7%.
*Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 685 ca mắc mới và 2 ca tử vong vì COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn thông báo của Bộ trên nêu rõ số ca mắc COVID-19 mới tại nước vẫn ở mức cao; trong đó có tới 673 ca cộng đồng ghi nhận tại 14/18 tỉnh, thành, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.
Thủ đô Viêng Chăn vẫn đứng đầu cả nước về số ca cộng đồng khi ghi nhận 345 trường hợp trong một ngày. Điều này khiến số bản được quy định là vùng đỏ gia tăng với 252 bản thuộc 9 quận. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng ở tỉnh Luang Prabang cũng tăng cao với 102 trường hợp trong 24 giờ qua.
Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 40.956 ca, trong đó có 67 người tử vong.
Bộ Y tế Lào khẳng định hiện chưa có bất cứ loại thuốc nào trên thế giới có thể điều trị hoàn toàn COVID-19; vì vậy cách quan trọng nhất để phòng chống virus vẫn là thực hiện chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học để tăng cường sức đề kháng của cơ thể mỗi người. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp sai lầm khi mắc bệnh có thể khiến bệnh trở nặng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cũng vừa tiếp nhận lô vaccine viện trợ từ cơ chế COVAX bao gồm 523.200 liều của AstraZeneca. Hiện nước này đang khẩn trương triển khai chương trình tiêm chủng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao và kêu gọi người dân sớm đăng ký tiếp cận vaccine để phòng chống rủi ro lây nhiễm virus.