Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bữa tiệc tháng Tư đầy âm thanh và màu sắc của các đội yosakoi Việt Nam đã quay trở lại sau hai năm. Có thể nói, Liên hoan Việt Nam Yosakoi ngày 23/4, chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản là lễ hội mà công chúng có thể thưởng thức nhiều bài diễn sử dụng chất liệu Việt nhất trong hành trình 16 năm kể từ khi yosakoi chính thức du nhập vào Việt Nam.
Nakama Yosakoi với bài diễn "IRODORI", lấy cảm hứng từ chuyện cổ tích Việt Nam "Công và Quạ". Ảnh: Chử Hiền Thu.
Nakama Yosakoi với bài diễn "IRODORI", lấy cảm hứng từ chuyện cổ tích Việt Nam "Công và Quạ". Ảnh: Chử Hiền Thu.

Theo tiếng địa phương của vùng Tosa (ngày nay là Kochi), Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ “yosshakoi”, có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến”. Kể từ 2007, Yosakoi cùng Lễ hội mùa xuân tháng Tư đã trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc đối với các bạn trẻ Việt Nam yêu văn hóa Nhật Bản nói riêng và công chúng Thủ đô nói chung.

Nhiều chủ đề gần gũi với công chúng Việt

Đến với festival 2023, đội múa Hanuyo đã mang đến bài diễn “Hóa trẻ trông trăng” xoay quanh chủ đề Tết Trung Thu, lồng ghép những nét đặc trưng của Tết Trung Thu Việt Nam so với Tết Trung Thu ở các nước đồng văn. Với bài diễn, Hanuyo mong muốn có thể khơi dậy niềm vui thuần khiết trong mỗi người, "Trung Thu là tết thiếu nhi" và còn có niềm vui nào trong sáng hơn niềm vui của một đứa trẻ?

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 1

Bài diễn "Hóa trẻ trông Trăng" của Hanuyo. Ảnh: Chử Hiền Thu.

Trong khi đó, Núi Trúc Sakura và Nakama đều lựa chọn chất liệu cổ tích Việt Nam, với bài diễn “Renri Hyakka” (tựa Việt: Liên Lý Bách Hoa) lấy cảm hứng từ “Tấm Cám” và bài diễn “Irodori” lấy cảm hứng từ “Công và quạ”.

Ý tưởng của “Renri Hyakka” (Núi Trúc Sakura Yosakoi) khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ định mệnh của Tấm với Nhà Vua, từ đó mở ra một câu chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở. Vượt qua biết bao nguy nan, cho đến phút cuối cùng, mối nhân duyên sâu đậm vẫn không thể nào bị chia cắt. Bài diễn tôn vinh tình yêu trường tồn trăm năm, mãi rực rỡ như những đóa hoa không phai tàn.

Còn “Irodori” của Nakama lại mang đến một cái kết hoàn toàn mới cho câu chuyện cổ tích Việt Nam “Công & Quạ”, khi không chỉ Công hạnh phúc với bộ lông rực rỡ đáng tự hào, Quạ cũng có thể ngẩng cao đầu với đôi cánh đen thẳm: “Màu đen tuyền vẫn luôn bao trùm vạn vật, trước đây, bây giờ và sau này vẫn vậy/Không phải là tôi không có màu/Mà là tôi kiêu hãnh với đôi cánh màu đen này” (bản dịch từ tiếng Nhật do đội múa cung cấp). Thông qua cái kết mới, đội múa muốn truyền tải tinh thần sống hết mình cho hiện tại, trân trọng tất thảy những gì mình đang có, nhìn nhận tất cả mọi vẻ đẹp khác nhau trên đời, không phân biệt đối xử.

Chỉn chu trong phần hình ảnh

Trong “Hóa trẻ trông trăng”, công chúng có thể bắt gặp những hình ảnh vô cùng quen thuộc như người múa lân, người gõ trống ếch, rồi cả chú Cuội, chị Hằng với bốn màu phục trang - bốn màu sắc của chiếc đèn cù truyền thống. Các nhân vật lần lượt xuất hiện và đại diện cho những phân cảnh khác nhau của một buổi trông trăng.

Đặc biệt, "Đoàn rước" Hanuyo đã kỳ công tạo nên một chiếc đầu sư tử của riêng của mình với nguyên liệu chính là giấy bồi, tre nứa cùng lông mày cá chép, cấu tạo khung mang đặc trưng của một chiếc đầu sư tử truyền thống ở miền Bắc. Được biết, đội múa đã tìm đến và nhận được sự chỉ dẫn của các nghệ nhân làm đầu sư tử lâu đời trên phố Hàng Mã, cùng tư liệu tham khảo từ dự án "Trăng Ta".

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 2

Hanuyo cùng bài diễn "Hóa trẻ trông trăng". Ảnh: Trần Minh Đức.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 3

Hanuyo cùng bài diễn "Hóa trẻ trông trăng". Ảnh: Trần Minh Đức.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 4

Hanuyo cùng bài diễn "Hóa trẻ trông trăng". Ảnh: Trần Minh Đức.

Với “Renri Hyakka”, trang phục chủ đạo của bài diễn lấy cảm hứng từ áo tấc (Ngũ thân tay thụng, áo Tế, áo Lễ), tiền thân của áo dài ngày nay, kết hợp thêm khăn xếp, mấn đội đầu và ngọc bội tạo điểm nhấn để phần nào lột tả được nét trang nghiêm của bậc Hoàng tộc trong Cung đình Huế xưa.

Để tái hiện lại khoảnh khắc Tấm bước ra từ quả thị, phân đoạn biến đổi trang phục từ áo tấc sang áo tứ thân được lên ý tưởng kỹ lưỡng từ việc lựa chọn chất liệu cũng như màu sắc nhằm tạo nên sự hài hòa giữa trang phục của hai nhân vật cũng như tổng thể nội dung bài diễn. Nếu áo tấc đem lại phong thái cao quý khi Tấm trở thành Hoàng Hậu được sủng ái nơi Cung Vua, thì áo tứ thân khắc họa Tấm với một hình ảnh cô thôn nữ tảo tần, gợi nhớ cho Nhà Vua về những phút giây đầu gặp gỡ.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 5

Trang phục ngũ thân được sử dụng trong bài diễn “Renri Hyakka” của Núi Trúc Sakura Yosakoi. Ảnh: Chử Hiền Thu.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 6

Trang phục tứ thân được sử dụng trong bài diễn “Renri Hyakka” của Núi Trúc Sakura Yosakoi. Ảnh: Chử Hiền Thu.

Trong “Irodori”, thiết kế phục trang của Nakama đã lựa chọn những màu sắc táo bạo hơn so với hình dung thông thường của công chúng về loài chim công, quạ. Ở phân đoạn đầu, khi mọi loài vật đều không có màu sắc, trang phục của các vũ công thuần một màu trắng với những họa tiết đom đóm bay, thể hiện một khu rừng mơ màng còn chìm trong giấc mộng.

Khi nhận được lời mời dự tiệc và hai loài quyết định tô điểm cho nhau, Công hoàn thiện bộ lông xong thì lớp áo trắng ngoài rơi xuống, lộ ra màu cam chói lọi với những dải đuôi nhiều màu, trong khi trang phục của vai Quạ thì phủ màu ánh tím đen. Để lý giải về sự đổi màu ấy, Nakama cho biết lựa chọn này phù hợp với không khí của lễ hội thay vì màu xanh lam và đen, đồng thời vẫn tiệp theo dải màu tự nhiên vốn có trên thân của hai loài công, quạ.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 7

Chim Công trong bài diễn "IRODORI" của Nakama Yosakoi. Ảnh: Chử Hiền Thu.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 8

Chim Quạ trong bài diễn "IRODORI" của Nakama Yosakoi. Ảnh: Chử Hiền Thu.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 9

Nakama Yosakoi với màn biểu diễn kể về câu chuyện Công và Quạ. Ảnh: Dũng Anh Nguyễn.

Ở phân đoạn Quạ vẽ cho Công, những vũ công Quạ sẽ sử dụng bút lông vũ màu cam, tiệp màu với trang phục của Công. Điệu múa chậm lột tả sự tỉ mỉ, trau chuốt của Quạ cho đến khi bộ cánh của Công thành hình. Còn khi Quạ bắt đầu được vẽ, đúng theo tinh thần nguyên tác của cổ tích, nhịp điệu được đẩy lên nhanh với nhiều cao trào với nhiều động tác mạnh mẽ, thể hiện sự nóng vội và mất bình tĩnh đến mức “nhảy nguyên vào thùng sơn đen” của Quạ. Bằng những động tác đầy dụng ý, gợi hình ảnh, “Irodori” như mở ra trước mắt người xem những trang sách về một miền cổ tích Việt vốn rất thân quen từ những ngày thơ ấu.

Âm hưởng Việt lan tỏa trong từng bài diễn

Đối với “Irodori”, producer Khang Nguyễn đã lựa chọn sử dụng nhạc cụ đàn tranh, sáo nhị, nguyệt cầm… trên giai điệu của scale (âm giai) nhạc Việt truyền thống, nhằm tạo ra được bối cảnh mang đậm nét Việt Nam cho câu chuyện cổ công và quạ.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 10

Nakama Yosakoi với màn biểu diễn kể về câu chuyện Công và Quạ. Ảnh: Kondou.

Trong “Renri Hyakka”, producer Javix lựa chọn kết hợp nhạc điện tử EDM và Nhã nhạc Cung đình Huế, với đàn dây, trống, sáo trúc, góp phần mở ra một không gian văn hóa đầy bản sắc.

“Hoá Trẻ Trông Trăng” lại mở đầu với tiếng trẻ em đồng thanh đọc vè "Ông trẳng ông trăng, xuống chơi với tôi....". Âm nhạc trong bài diễn là sự hoà trộn của những phân đoạn tiết tấu nhanh thể hiện sự náo nhiệt của phố phường và nét thơ mộng sâu lắng của đêm trăng thanh mát. Đặc biệt, được sự cho phép của nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình, Hanuyo đã đưa điệp khúc của bài hát "Chiếc đèn ông sao" vào phần cao trào với sự góp giọng của những em bé để niềm vui của đêm phá cỗ Trung Thu thêm đong đầy. "Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh/Đây ánh sao vui, chiếu xa non ngàn/Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh/Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi".

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 11

Hằng Nga trong "Hóa trẻ trông Trăng" của Hanuyo. Ảnh: Chử Hiền Thu.

Một bài diễn nữa sử dụng chất liệu âm nhạc Việt Nam là “Tức mục” của Hanoi Sennen Yosakoi. Nằm trong chuỗi dự án Cầm-Kỳ-Thi-Họa, “Tức Mục” là dự án “thổi hồn” thơ Việt vào điệu nhảy yosakoi, cụ thể là bài “Mục hạ vô nhân” của thi hào Nguyễn Khuyến. Những tưởng yếu tố "thơ" sẽ mang lại sự dịu dàng, mềm mại, lãng mạn cho phần trình diễn, nhưng lựa chọn bản phối của đội đã đem đến một màu sắc hoàn toàn mới.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 12

Phần trình diễn "Tức Mục" của Hanoi Sennen Yosakoi". Ảnh: IR Photography.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 13
Phần trình diễn "Tức Mục" của Hanoi Sennen Yosakoi". Ảnh: Hanoi Sennen Yosakoi.
Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 14

Phần trình diễn "Tức Mục" của Hanoi Sennen Yosakoi". Ảnh: W.Creative.

Lấy cảm hứng từ bài thơ “Mục hạ vô nhân” và nghệ thuật hát xẩm, bản phối "Mục hạ vô nhân (Helium Remix)" của Limebócx có giai điệu dồn dập đã làm cho “Tức Mục” trở nên vô cùng mạnh mẽ, hiện đại, cũng không kém phần kỳ bí, hào hùng.

“Thăng trầm cùng biến cố, ngang tàng và ngạo nghễ, bài nhảy ‘Tức Mục’ tái hiện hành trình đi tìm bản ngã, vượt qua khó khăn và chiến thắng chính bản thân để tiến về phía trước”, đại diện đội chia sẻ. Thông qua bài diễn, Hanoi Sennen Yosakoi mong muốn thể hiện sự giao thoa văn hoá giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản, giới thiệu một sản phẩm âm nhạc chất lượng, một màn trình diễn yosakoi độc đáo đến với đa dạng người xem.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 15

Phần biểu diễn "Tức mục" của Hanoi Sennen Yosakoi tại Liên hoan Yosakoi Việt Nam. Ảnh: W.Creative.

Hồn Việt thể hiện qua điệu múa Yosakoi của xứ sở Phù Tang ảnh 16

Phần biểu diễn "Tức mục" của Hanoi Sennen Yosakoi tại Liên hoan Yosakoi Việt Nam. Ảnh: W.Creative.

***

Hòa chung vào xu thế ngày càng nhiều người trẻ quan tâm đến văn hóa di sản nước nhà, các đội yosakoi tại Việt Nam cũng luôn tìm tòi, thử nghiệm và phát triển để không những có thể giữ được đam mê với điệu múa Nhật Bản mình yêu thích, mà còn góp phần giới thiệu, lan tỏa được những tinh hoa của văn hóa nước nhà đến đông đảo mọi người./.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).