Ngày 06/04 vừa qua, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã giới thiệu triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” nhằm giới thiệu 23 tác phẩm truyền thống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng như các sáng tạo mới từ tranh dân gian của các nghệ sỹ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người phụ trách không gian sắp đặt của triển lãm, đã sắp xếp xen kẽ các tác phẩm gốc và các tác phẩm phái sinh. Với quan niệm "truyền thống về văn hóa, mỹ thuật chỉ phát triển, tiếp nối bởi các sáng tạo trẻ", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và nhóm nghệ sỹ trẻ đã mở ra một hướng tiếp cận mới nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Nét đẹp văn hóa truyền thống xứ kinh kỳ
Tranh dân gian Hàng Trống, cùng với tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng, vốn là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam. Tên gọi của dòng tranh này xuất phát từ tên con phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, xưa thuộc huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.
Tranh Hàng Trống được vẽ trên giấy dó bồi dày. Tuy vậy, khác với hai dòng tranh còn lại, nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống chỉ sử dụng ván khắc để in đen những đường nét chính, sau đó tô màu bằng tay và bút mềm để tạo độ chuyển đậm - nhạt cho màu sắc. Thông thường, một bức tranh cần tới 3-4 ngày để hoàn thiện.
Tác phẩm “Đám cưới chuột” (2017), vẽ bởi nghệ nhân Lê Đình Nghiên. |
Rất khó xác định hoàn cảnh ra đời của dòng tranh dân gian Hàng Trống, tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng dòng tranh này chịu ảnh hưởng rõ rệt từ Phật giáo và Đạo giáo. Với hai nội dung chính là tín ngưỡng tâm linh và trang trí, tranh Hàng Trống chủ yếu hướng tới các cơ sở tín ngưỡng cũng như tầng lớp thị dân có thú chơi tranh.
Người chơi tranh Hàng Trống cũng có những quy tắc riêng. Do tính chất trang nghiêm của mình, tranh Hàng Trống phải được lồng trong một loại khung gỗ nhất định, được trưng bày ở những nơi trang trọng nhất như phòng khách hoặc phòng thờ. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tranh Hàng Trống từng là một phần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến của người Hà Nội.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa từng nhận định, đây là dòng tranh phố thị điển hình, đại diện cho trung tâm chính trị, văn hóa, có lúc cả kinh tế của miền Bắc và cả nước một thời gian dài.
Tác phẩm “Xích hổ tướng quân” (2020) của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Như Quỳnh. |
Song, cùng với sự hội nhập và phát triển của xã hội, tranh Hàng Trống không còn được đón nhận nhiều như ngày trước do hạn chế về chủ đề và cách tiếp cận. Rất ít nghệ nhân vẫn còn tiếp tục theo đuổi nghề vẽ tranh truyền thống này, trong số đó có nghệ nhân Lê Đình Nghiên. 60 năm qua, có lẽ chỉ còn có ông là người duy nhất am tường và có thể hoàn thiện toàn bộ các công đoạn của một bức tranh dân gian Hàng Trống.
Hướng tiếp cận sáng tạo của các nghệ sỹ trẻ
Trước nguy cơ mai một và thất truyền của dòng tranh dân gian Hàng Trống trong thời đại mới, nhiều tổ chức và cá nhân đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc của dòng tranh này. Trong đó, nổi bật là dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” của thầy và trò khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với các tác phẩm đang được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.
Tác phẩm “Căn 2” (2020) của nghệ sĩ trẻ Hoàng Thị Việt Hương bên cạnh tác phẩm gốc. |
Dự án được thực hiện bởi một nhóm sinh viên chuyên ngành Sơn mài và Lụa, dưới sự hướng dẫn của hai giảng viên-họa sĩ Triệu Khắc Tiến và Nguyễn Thế Sơn. 23 tác phẩm là sự kết tinh của những tháng ngày tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra tác phẩm phái sinh dựa trên trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nguồn cảm hứng từ chính tranh Hàng Trống truyền thống.
Mỗi tác phẩm đều cho thấy các phương pháp tiếp cận độc đáo, mang tính thử nghiệm cao của các bạn sinh viên trẻ. Với mong muốn đưa dòng tranh Hàng Trống lên các chất liệu truyền thống khác của Việt Nam, tác phẩm “Xích hổ tướng quân” của nghệ sĩ Nguyễn Thị Như Quỳnh được trình bày dưới hình thức lọ sơn mài, đem lại sắc độ mới cho các chi tiết của bức tranh gốc.
Như Quỳnh cho rằng, tranh Hàng Trống và tranh sơn mài đều giống nhau ở màu sắc và sự tỉ mỉ khi vẽ, bởi vậy sơn mài là một chất liệu tuyệt vời và có khả năng mang lại cảm xúc mới cho người xem.
Bên cạnh sự biến hóa của các chất liệu lụa và sơn mài, một số tác phẩm khác lại có sự thay đổi về chủ đề. Nghệ sĩ trẻ Hoàng Thị Việt Hương đã lồng ghép hình ảnh “hầu đồng” đặc trưng trong các bức tranh thờ Hàng Trống với chất liệu lụa kết hợp thêu để tạo nên bộ tác phẩm về 03 trong 36 giá hầu của Việt Nam: “Cậu Bé Đồi Ngang”, “Cô Bé Thác Bờ”, và “Cô Chín”.
“Sợi dây ‘từ truyền thống đến truyền thống’ hơn lúc nào hết đã được kéo lại gần nhau, gắn kết vào nhau. Lớp trẻ chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để những văn hóa truyền thống nước nhà không bị mai một theo năm tháng”, Việt Hương chia sẻ.
Những khám phá mới mẻ này đã đưa tranh Hàng Trống vượt ra khỏi giới hạn khổ giấy truyền thống, gợi ý các phương pháp ứng tác khác nhau để các nghệ sĩ đương đại khác có thể ứng dụng vào quá trình sáng tạo của mình.
Bà Hoa, một khách tham quan triển lãm và cũng là một người có đam mê với dòng tranh dân gian Hàng Trống cổ truyền, bày tỏ sự yêu thích đối với các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Với cô, nghệ thuật tạo cảm hứng sáng tạo cho người khác là rất tốt, nhất là khi các tác phẩm phái sinh đem lại giá trị thẩm mỹ cao.
Bà rất mong sẽ có thêm nhiều họa sĩ nghiên cứu và khám phá sâu về tranh dân gian Hàng Trống, bởi chỉ như vậy thì những nét đẹp đặc trưng của dòng tranh này mới không bị mai một.
Triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” được tổ chức nhằm giới thiệu tới người xem tinh hoa của tranh dân gian Hàng Trống và sáng tạo mới của các nghệ sĩ đương đại từ dòng tranh này. Đây là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khuyến khích thế hệ sau tiếp tục viết tiếp câu chuyện về văn hóa dân tộc trong các sáng tác của mình.
Triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” tiếp tục mở cửa đón khách tham quan cho tới hết ngày 16/04/2023 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.