Hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ giúp xoay chuyển cục diện chiến sự Libya?

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò là “các nhà trung gian hòa giải lớn” trước khi các cuộc đàm phán về Libya diễn ra ở Berlin, Đức.
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tiến hành vụ tấn công vào cứ điểm của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tại Tripoli. Ảnh: Reuters.
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tiến hành vụ tấn công vào cứ điểm của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tại Tripoli. Ảnh: Reuters.

Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Libya ở Thủ đô Berlin (Đức) ngày 19/1 cho thấy vai trò quan trọng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya vì hai nước này nằm trong số rất ít quốc gia có ảnh hưởng thực sự đến tình hình Libya, Yusuf Erim, chuyên gia về chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng  thời là tổng biên tập tờ TRT World nhận xét.

Vai trò của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

 Hội nghị đã thành công trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo trên thế giới để xem xét và tìm giải pháp cho cuộc nội chiến tàn phá Libya suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên nó cũng cho thấy, có rất ít quốc gia có thể thực sự thúc đẩy một tiến trình hòa bình bởi hầu hết đang thiếu một chiến lược và ý chí để biến lời nói thành hành động, ông Yusuf Erim cho biết.

 “Chúng ta nhận thấy có rất nhiều ý kiến hay nhưng đều thiếu khả năng triển khai trên thực tế, do đó vẫn có một vai trò lớn dành cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga”, ông Yusuf Erim nói. Hội nghị cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không có “lộ trình rõ ràng” mà họ có thể sử dụng để phá vỡ bế tắc, ông lập luận. Trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò là “các nhà trung gian hòa giải lớn”  ngay cả trước khi các cuộc đàm phán tại Berlin diễn ra.

“Ý chí của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mang lại một giải pháp chính trị cho Libya sẽ là chìa khóa cho hội nghị ngày hôm nay và mang lại ý nghĩa cho tương lai”, chuyên gia Yusuf Erim nhấn mạnh.

Mặc dù các bên tham gia hội nghị đã nhất trí “một loạt đề xuất chi tiết” về các khía cạnh của giải pháp tương lai cho cuộc khủng hoảng Libya nhưng để đạt được hòa bình lâu dài tại quốc gia này vẫn phải trải qua một chặng đường dài. Một phần là bởi hai phe tham chiến chính thức chưa thể thu hẹp sự bất đồng ngay cả khi họ có mặt tại cùng một địa điểm đàm phán.

“Người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận tại Libya, ông Fayez al-Sarraj và người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông nước này Tướng Khalifa Haftar đều tới Đức tham dự Hội nghị hòa bình về Libya, tuy nhiên hai bên không có cuộc gặp mặt trực tiếp, điều này cho thấy họ vẫn ở rất xa nhau”, ông Erim nói.

Việc ông  al-Sarraj và ông Khalifa Haftar chưa sẵn sàng gặp mặt trực tiếp không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng nó cũng không hàm chứa sự lạc quan, ông  Ayo Johnson, người sáng lập Viewpoint Africa, nói với RT. Chuyên gia này cũng lưu ý, sẽ có quá nhiều rủi ro cho cả hai bên khi “phó mặc mọi thứ cho số mệnh”.

“Họ là kẻ thù của nhau và sẽ có rất nhiều nguy cơ xảy ra nếu phó mặc mọi thứ, bởi nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới đang nằm trên lục địa Châu Phi, gần Libya và Libya cũng là điểm trung chuyển chính cho nhiều người nhập cư muốn tới châu Âu”, ông Ayo Johnson nhận xét.

Giải pháp đảm bảo lệnh ngừng bắn tại Libya

Sự đối đầu giữa hai phía có thể gây ảnh hưởng tới việc duy trì lệnh ngừng bắn vốn đã mong manh mà hai bên đạt được vào hôm 12/1. Trước đó, có nhiều báo cáo về việc các bên liên tiếp vi phạm lệnh ngừng bắn này.

Mark Almond, Giám đốc Viện nghiên cứu khủng hoảng cho rằng, vấn đề chính đối với lệnh ngừng bắn nằm ở chỗ không có cơ chế bắt buộc nào để khiến các phe phái thù địch, vốn đã thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, phải tuân thủ chặt chẽ. Mặc dù lệnh ngừng bắn có thể có lợi cho các lực lượng của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA), nhưng thách thức đặt ra là làm sao để đưa các nhóm chiến binh khác trong cuộc xung đột tham gia lệnh ngừng bắn này. Dù nhấn mạnh một lực lượng gìn giữ hòa bình đóng vai trò cần thiết để đảm bảo việc tuân thử lệnh ngừng bắn, nhưng ông Almond cho rằng khó có quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm công việc này. “Tôi không thấy có bất cứ nước nào muốn điều quân đến Libya, muốn đặt các binh sỹ của họ vào nơi nguy hiểm”.

Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Erim cho biết, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Libya có thể là giải pháp tốt và lực lượng này sẽ đảm bảo duy trì “một vùng đệm giữa hai phe tham chiến”. Tuy nhiên đây là lựa chọn mà các quốc gia châu Âu có khả năng từ bỏ nhiều nhất, ông Erim đánh giá. Không có khả năng Liên minh Châu Âu sẽ chấp nhận rủi ro để triển khai các binh sỹ trên thực địa. Và như vậy, nhiệm vụ một lần nữa lại được đẩy sang phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục các bên duy trì lệnh ngừng bắn.

Cần nhắc lại rằng, kể từ sau chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi năm 2011, Libya đã bị chia rẽ sâu sắc với hai chính quyền và lực lượng vũ trang riêng cùng tồn tại. Đó là chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA). Chưa dừng lại ở đó Libya còn dần trở thành một chiến địa mới ở Trung Đông của các nước lớn - sau khi chiến trường hậu Syria gần như đã đến hồi kết. Tình hình hỗn loạn tại Libya trong thời gian qua đang trở thành bối cảnh hoàn hảo để Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lý do can dự, lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ và các đồng minh để lại.

Theo các nhà quan sát, Moscow và Ankara đã có những kinh nghiệm tích cực về việc triển khai các biện pháp giảm xung đột một cách hiệu quả ở tình thế khi mà tất cả các cuộc đàm phán trước đó đều thất bại. Những gì xảy ra trên chiến trường Syria đã chứng minh điều đó khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng nhau thành lập “nhóm đàm phán Astana” và sau đó “thực hiện một số quyết định có ý nghĩa trên thực địa”, chuyên gia Erim giải thích. Ông nhấn mạnh, bộ ba Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy có thể thực hiện theo mô hình này, lưu ý rằng Italy đã bày tỏ mong muốn duy trì sự hiện diện quân sự tại Libya.

Theo TTXVN
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.