Chiếc máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air chỉ mới đi vào hoạt động vào tháng 8, trước khi gặp tai nạn rơi xuống biển Tây Java hôm 29/10.
Đài kiểm soát không lưu đã mất liên lạc với chiếc máy bay JT610 khoảng 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, hướng về phía bắc đến thành phố Pangkal Pinang.
Được biết, cơ trưởng của JT610 đã yêu cầu và nhận được sự cho phép quay trở lại sân bay Jakarta, tuy nhiên nguyên nhân khiến máy bay rơi xuống biển vẫn còn là ẩn số.
Lực lượng cứu hộ hiện đã trục vớt thành công 1 hộp đen của máy bay, ngoài ra cũng đã có 1 thi thể được nhận dạng sau vụ tai nạn.
"Chúng tôi chưa tải xuống dữ liệu vì có một số bộ phận của hộp đen bị hỏng", ông Haryo Satmiko -Phó Ban an toàn giao thông Indonesia, cho biết máy ghi dữ liệu chuyến bay được phát hiện hôm thứ Năm.
Các mảnh vỡ của chiếc máy bay JT610 vẫn đang được trục vớt. Ảnh: Reuters |
Ông Satimiko cho biết các nhà điều tra đang chờ tư vấn từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ hoặc hãng hàng không Boeing.
Các nỗ lực hiện đang tập trung vào việc tìm kiếm hộp đen thứ hai, ông Soerjanto Tjahjono - người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông Indonesia cho biết.
"Nhóm cứu hộ đã nghe thấy tiếng 'ping' từ một hộp đen khác trong hai ngày qua", ông Tjahjono nói.
Mặc dù mực nước tại khu vực xảy ra tai nạn chỉ sâu khoảng 30m, nhưng do các dòng chảy mạnh và các đường ống năng lượng gần đó đã cản trở việc tìm kiếm chiếc máy bay "xấu số".
Các nhà điều tra cho biết thiệt hại của hộp đen đầu tiên đã phản ánh mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm khi máy bay rơi xuống biển.
Việc tải xuống dữ liệu từ hộp đen có thể mất ít nhất hai giờ nhưng việc phân tích dữ liệu có thể mất vài tuần.
Kết quả của một cuộc điều tra sơ bộ sẽ được công bố sau 30 ngày, một quan chức trong nhóm điều tra cho biết.
Theo Channel NewsAsia