Bản sắc 22 dân tộc “thăng hoa”
Quảng Ninh hiện có 22 dân tộc, với khoảng 1,2 triệu người cùng sinh sống tại 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có 5 thành phần dân tộc sống tập trung thành cộng đồng làng bản gồm: Dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ), Hoa. Mỗi dân tộc có bản sắc và văn hóa riêng biệt, độc đáo.
Nhiều năm qua, bám sát vào các nghị quyết của trung ương, của tỉnh, gần đây nhất là Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", các cấp MTTQ tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, chung tay phát triển nền văn hóa truyền thống, loại bỏ những tư tưởng, văn hóa cổ hủ, lạc hậu, mê tín dị đoan và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn liền với thuần phong mỹ tục của cộng đồng dân cư.
Mỗi địa phương, vùng miền, địa bàn dân cư trong tỉnh có những đặc thù khác nhau, nhưng đều có những cách làm sáng tạo trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Lễ hội Sóong Cọ hàng năm (từ 15 đến 19/4) những cô gái dân tộc Sán Chỉ (xã Húc Động) hào hứng mặc váy áo truyền thống để ra sân đá bóng tranh cúp. |
Tại huyện miền núi Ba Chẽ, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, hằng năm Ủy ban MTTQ huyện ban hành các kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn nêu cao tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, hội viên trong tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá mới, gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu ở nhiều địa bàn nông thôn.
Đồng chí Hoàng Ngọc Quyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ cho biết: Qua thực hiện các cuộc vận động, các hộ dân, đặc biệt là hộ DTTS, đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.
Tiêu biểu là các mô hình phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở huyện Đầm Hà. Với đặc thù vừa có rừng, vừa có biển, nhiều nét văn hóa truyền thống, các cấp MTTQ huyện Đầm Hà đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các đề án, mô hình phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu như đã thành lập, duy trì các CLB hát nhà tơ ở xã Đầm Hà; lễ hội Đình Đầm Hà; hát sán cố và may thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao ở xã Quảng An; phục dựng các lễ hội truyền thống đình Tràng Y ở xã Đại Bình; lễ hội Đại Phan của dân tộc Sán Dìu ở xã Quảng An; chợ phiên Ba Nhất và khu ẩm thực Cầu Tình ở xã Quảng An…
Các phong tục, trò chơi dân gian mang bản sắc của đồng bào DTTS ở Đầm Hà thường xuyên được tổ chức |
Các phong tục, trò chơi dân gian mang bản sắc của đồng bào DTTS ở Đầm Hà thường xuyên được tổ chức trong các sự kiện, ngày kỷ niệm, lễ, Tết hằng năm, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng và tạo không khí vui tươi sôi nổi.
Từ việc khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên và phát huy giá trị truyền thống văn hóa đã giúp cho huyện Đầm Hà trở thành địa phương đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, từng bước phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Gắn di sản với phát triển du lịch
Không thể phủ nhận, Quảng Ninh là một vùng đất giàu có về di sản văn hóa phi vật thể với hơn 2.800 hồ sơ. Có 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền; là hàng loạt di sản khác nhau, bao gồm: ngữ văn dân gian (gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm âm nhạc, múa hát, sân khấu); tập quán xã hội (gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống...
Với mục đích khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (triển khai năm 2024-2025).
Theo đó, năm 2024, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số như: Lễ hội đình Lục Nà huyện Bình Liêu, lễ hội truyền thống đền Cửa Ông, lễ hội đình Cẩm Hải, lễ hội đình Cộng Hòa, lễ hội Bàn Vương, gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.
Trong năm 2024 – 2025, tỉnh cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng nhà trưng bày không gian văn hóa đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí). Lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch đối với những điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với với điểm du lịch đã được công nhận và những điểm du lịch chưa được công nhận nhưng có tiềm năng phát triển kinh tế.