Lúc 18g ngày 28/3, họa sĩ Hà Hùng khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ 6 với tên gọi “Hòa âm phố” tại phòng tranh Maii (72/2 Trần Quốc Toản, quận 3, TPHCM). Triển lãm trưng bày 24 tác phẩm được Hà Hùng vẽ phố theo những cách khác nhau, liên tục trong suốt thời gian làm nghệ thuật.
Họa sĩ Hà Hùng, tên thật là Hà Thanh Hùng, tốt nghiệp trường ĐH Mỹ Thuật TPHCM năm 2001. Nhưng trước khi trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp và một nhà sư, Hà Hùng được biết đến là một nhà thơ với ấn phẩm: Hoa tình do NXB Văn nghệ TPHCM ấn hành 2007. Hà Hùng còn là tác giả của tiểu thuyết Xóm Miếu Nổi (NXB Trẻ 2013), tập thơ Tây Thiên (NXB Văn hóa Văn nghệ 2016)…
 |
Họa sĩ Hà Hùng - nhà sư Thích Hoằng Toàn |
Cứ nghĩ như nhiều tác giả xuất thân từ trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, như: Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần…, Hà Hùng tiếp tục thong dong rong chơi cùng văn chương và hội họa. Thế nhưng vào ngày Rằm tháng Giêng năm 2011, tức sau 10 năm tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật, Hà Hùng đến chùa Vạn Đức ở Thủ Đức xin xuống tóc, xuất gia trở thành nhà sư Thích Hoằng Toàn.
Trở thành nhà sư những tưởng Hà Hùng lánh xa cõi trần, vậy nhưng đam mê hội họa trong ông như được tiếp thêm năng lượng mới. Hà Hùng đã có 5 triển lãm cá nhân: Level 3.0, Nắng trong vườn, Dưới trăng mây hồng, Tiếng chuông nhà thờ, Tương tư phố. Lạ một điều là các triển này đều không có tranh vẽ liên quan đến Phật giáo, dù là vẽ cảnh chùa, vì họa sĩ Hà Hùng đang là một nhà sư. Đem thắc mắc này hỏi thì được ông giải thích ngắn gọn: Vẽ chùa khó hơn vẽ phố.
Rồi Hà Hùng cười ha ha: Cũng có vẽ chùa nhưng các nhà sưu tập lấy hết rồi. Lấy hết rồi tức là bán hết rồi, tranh vẽ chùa của Hà Hùng được nhiều người sưu tập yêu thích, đổi lại họa sĩ Hà Hùng – nhà sư Thích Hoằng Toàn có thêm kinh phí để mua vật liệu vẽ tranh.
 |
Một tác phẩm trong triển lãm Hòa âm phố |
Họa sĩ Phan Trọng Văn làm giám tuyển cho triển lãm “Hòa âm phố” lần này của Hà Hùng, nhận xét: “Ở tuổi đã ngoài 50 tuổi, nhưng đam mê làm nghệ thuật của ông dường như mới bắt đầu. Đối với ông vẽ như là thở, vẽ như là một cách đào thoát khỏi thực tại nhỏ hẹp của mình. Ông đã vẽ phố theo những cách khác nhau, liên tục trong suốt thời gian làm nghệ thuật hơn 20 năm nay. Bởi yêu thương phố, nên ông càng muốn đến gần hơn với phố, khác lạ hơn nữa, thay đổi hơn nữa, nhưng vẫn là phố của ông. Bởi vì phố là một mối tình chung thủy đối với ông, nơi mà nó luôn bao bọc bốn phía xung quanh ta. Nơi mà chúng ta đang sống trong lòng của nó, với tất cả nhớ thương day dứt mà không thể thoát ra được”.
Triển lãm Hòa âm phố mở cửa đến ngày 6/4, vào xem tự do.
Một số tác phẩm vẽ phố trong triển lãm của Hà Hùng:
Hoàng Nhân