Khám phá 3 Di tích Quốc gia Đặc biệt của tỉnh Ninh Bình

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ba Di tích Quốc gia Đặc biệt của Ninh Bình gồm Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Danh lam Thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và Di tích Danh lam Thắng cảnh Núi Non Nước.
Khám phá 3 Di tích Quốc gia Đặc biệt của tỉnh Ninh Bình

Nằm ở cực Nam Đồng bằng châu thổ sông Hồng, Ninh Bình được biết đến là kinh đô của Việt Nam với 3 triều đại Đinh, Lê, Lý, vì thế, địa phương này sở hữu nhiều di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đan xen vào nhau như những bức tranh thiên nhiên thủy mặc với 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia.

Trong số đó, không thể không kể đến ba Di tích Quốc gia Đặc biệt của Ninh Bình gồm Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Danh lam Thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Núi Non Nước.

Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư có hơn 30 di tích liên quan đến 2 triều Đinh-Tiền Lê, đa dạng về loại hình thờ tự như lăng tẩm, đền, miếu, phủ, chùa. Trong các di tích này, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành là công trình tiêu biểu, đặc sắc nhất.

Hai công trình này được xây dựng và trùng tu kế tiếp nhau qua nhiều triều đại, nhưng hiện nay vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Công trình vẫn giữ được nguyên nét cổ kính, rêu phong nhưng vẫn vững chãi.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành tọa lạc tại xã Trường Yên, H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ vua Đinh, cha mẹ, các con trai ông và bài vị các tướng triều Đinh. Nơi đây, long sàng được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Long sàng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Trải qua 400 năm, các hoa văn trên long sàng gần như vẫn còn nguyên vẹn đến từng chi tiết nhỏ.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở nơi chính điện kinh đô Hoa Lư ngày xưa. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Trên núi có lăng mộ vua Đinh, đường lên lăng mộ vua được lát các bậc đá hoa, hàng ngày có nhân viên quét dọn sạch sẽ. Du khách lên viếng mộ vua có thể đứng trên đỉnh núi Mã Yên để nhìn ngắm toàn cảnh khu di tích và cánh đồng bao la rộng lớn bao quanh. Các nhà nghiên cứu đánh giá, đền thờ vua Ðinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo với giá trị nổi bật là các tác phẩm chạm khắc gỗ và đá có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX.

Cách đền thờ vua Đinh khoảng 300m là đền thờ vua Lê Đại Hành, có quy mô nhỏ hơn đền thờ vua Đinh. Điêu khắc gỗ trong kiến trúc ở đền thờ vua Lê Đại Hành tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, năm 1962, Di tích Lịch sử-Văn hóa Cố đô Hoa Lư được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Quốc gia. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt. Năm 2014, Di tích Lịch sử-Văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Danh lam Thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động

Danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động được hợp bởi quần thể hang động Tràng An và khu cảnh quan chùa-động Bích Động, thuộc địa phận Huyện Hoa Lư, Huyện Gia Viễn, Huyện Nho Quan và Thành phố Ninh Bình, Tỉnh Ninh Bình.

Quần thể hang động Tràng An bao gồm 50 hang khô và 50 hang ngập nước, rất đa dạng về hình thái và chủng loại (hang động xuyên thủng, hang động thông và hang ngầm). Mỗi hang đều có một sắc thái riêng. Và, một điểm đáng chú ý là, các hang động ở đây thường tập trung thành từng cụm, có liên hệ mật thiết với nhau. Trong mỗi hang, do hiện tượng hòa tan và lắng đọng của đá vôi, đã tạo nên hệ thạch nhũ muôn màu, muôn vẻ...

Dấu vết của các thời kỳ biển tiến, biển thoái còn hằn rõ qua những mực xâm thực cơ sở và qua hình thức các hang động liên thông với nhau. Ngay trong mỗi động cũng có nhiều ngách, nhiều tầng, với vẻ đẹp riêng. Hệ thống hang động ở Tràng An là hệ thống “hang sông” ngập nước thường xuyên, ngay cả trong mùa khô, với một số hang tiêu biểu như Hang Địa Linh, Hang Tối, Hang Sáng, Hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt.

Khu vực quần thể hang động này cũng là nơi hiện diện của nhiều di tích lịch sử văn hóa như phủ Đột (còn gọi là đền Trình, thờ hai vị tướng của triều Đinh là Nhị vị Thánh Tiền, tức Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù); đền Trần (còn có tên khác là đền Nội Lâm hay đền Vụng Thắm, thờ Quý Minh đại vương); phủ Khống, thờ vị quan triều Đinh có hiệu vị là Đinh Công Tiết chế; các di chỉ khảo cổ gồm di chỉ hang Bói, di chỉ hang Trống, di chỉ mái đá Chợ, di chỉ mái đá Ông Hay...

Khu Tam Cốc-Bích Động nằm trong quần thể núi đá vôi Hoa Lư. Trong khu vực này, những cảnh quan thiên nhiên như dòng sông Ngô Đồng, hang Cả, hang Hai, Hang Ba... kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc như đền Thái Vi (thờ các vị vua Trần) và chùa Bích Động… tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp, được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động.”

Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Chùa và Động Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kỳ thú của hang động, núi non với sự tài hoa, khéo léo của con người... Các kiến trúc ở đây chủ yếu dựa vào vách đá, hang động, tạo thành một khối thống nhất, vững chắc.

Toàn cảnh chùa được bố cục theo kiểu “tam tòa”: phía dưới là chùa Hạ, tiếp đến là chùa Trung, trên cùng là chùa Thượng. Bên cạnh đó, người xưa đã lợi dụng hang tối để đặt tượng Phật và những vách đá để dựng những ngọn tháp, khiến vẻ linh liêng, cổ kính của ngôi chùa được tăng lên nhiều phần.

Theo văn bia ở chùa, sử sách và truyền thuyết dân gian, trước đây chùa và động cùng có tên gọi là Bích Sơn. Chùa được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, gắn liền với tên tuổi của các vị sư trụ trì là Trí Kiên và Trí Thể. Năm Giáp Ngọ (1774), khi tuần hành qua đây, chúa Trịnh Sâm đã giao cho Nguyễn Nghiễm giám sát phường thợ làm ròng rã trong 8 tháng để khắc lên vách đá 2 chữ “Bích Động” - viết theo lối đại tự, chân phương, khuôn chữ dài 1,5m, rất sắc nét. Từ đó, tên chùa cũng được gọi theo là Bích Động.

Trong quần thể hang động Tràng An và khu vực Tam Cốc-Bích Động hiện còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật, bằng các chất liệu, như đá, đồng, gỗ...có niên đại chủ yếu từ thời Nguyễn.

Danh lam Thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2012.

Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Núi Non Nước

Núi Non Nước nằm ở ngã ba sông Vân và sông Đáy, thuộc địa bàn phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Nhìn từ hướng Nam ngọn núi có dáng như bông sen nở bên bờ sông Vân, nhìn từ hướng Bắc có hình con chim chả đậu trên mặt nước.

Đường lên đỉnh núi có 198 bậc đá. Trên núi có nhiều cây cỏ tự nhiên, quanh năm xanh tốt.

Núi Non Nước gắn với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, đó là sự kiện Dương Thái hậu trao áo long bào cho Lê Hoàn trên bến sông Vân, dưới chân núi Non Nước, thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê; Thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, núi Non Nước là trạm tiền tiêu của kinh thành Hoa Lư xưa; Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Núi Non nước là nơi để hiệu triệu tinh thần đấu tranh của nhân dân chống giặc ngoại xâm…

Không chỉ có vậy, ngọn núi này còn là nơi lưu giữ dấu ấn vật chất và tinh thần (các bài thơ, văn khắc trên vách núi) của nhiều vị vua, nhiều vị công hầu khanh tướng, các danh nhân, thi sĩ nổi tiếng của nước ta từ hàng ngàn năm trước.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh núi Non Nước đã được xếp hạng là di tích Danh thắng cấp Quốc gia năm 1962 và công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2019.

Khám phá 3 Di tích Quốc gia Đặc biệt của tỉnh Ninh Bình ảnh 1
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An có vẻ đẹp cảnh quan là các cánh đồng lúa; vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét không thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang đất khu đô thị để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Yêu cầu tỉnh Ninh Bình không làm ảnh hưởng xấu tới Di sản Tràng An
(Ngày Nay) - Liên quan đến đề xuất “xén” một phần cảnh quan thuộc vùng đệm Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An để thực hiện dự án Khu Đô thị Ninh Thắng I của UBND tỉnh Ninh Bình; mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những ý kiến cụ thể, trong đó yêu cầu: không thực hiện chuyển đổi đất nhằm tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Lịch sử của linh vật Olympic
Lịch sử của linh vật Olympic
(Ngày Nay) - Trong vòng hơn 50 năm, các vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Olympic thường được cổ vũ bởi những linh vật độc đáo và ngộ nghĩnh.
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
(Ngày Nay) - Theo nghiên cứu mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), mực xăm hình và mực phun xăm thẩm mỹ được được đóng bao bì kín, trong đó có cả những loại được đánh dấu vô trùng, chứa hàng triệu vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...