"Căng thẳng nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai nói đến. Hậu quả của nó có thể nhìn rõ dưới hình thức mất an ninh lương thực, xung đột và di cư, cũng như sự bất ổn về tài chính. Thất bại trong hành động bảo vệ nguồn nước sẽ gây tổn hại tới cuộc sống và sinh kế của con người", theo tiến sĩ Andrew Steer.
Tổ chức WRI đã sử dụng công cụ lập bản đồ rủi ro nước toàn cầu của Aqueduct để xếp hạng các quốc gia dựa trên áp lực nước, rủi ro hạn hán và rủi ro lũ lụt, dựa trên phương pháp đánh giá ngang hàng.
Báo cáo cho thấy Qatar là quốc gia chịu nhiều áp lực về nước nhất trên thế giới, tiếp theo là Israel, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Arab Saudi, Eritrea, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, San Marino, Bahrain, Ấn Độ, Pakistan, Turkmenistan, Oman và Botswana.
Đặc biệt, 12 trong số 17 quốc gia phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao ở Trung Đông và Bắc Phi, nhưng Ấn Độ, quốc gia được xếp hạng là quốc gia chịu áp lực nước nhiều thứ 13, đông dân gấp ba lần so với 16 quốc gia khác trong danh sách cộng lại.
Hồi tháng 6 năm nay, thành phố Chennai của Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng nước do tình trạng hạn hán kéo dài cùng công tác quản lý nước kém khiến 4 hồ chứa chính cung cấp nước cho thành phố trong tình trạng cạn kiệt.
"Cuộc khủng hoảng nước gần đây tại Chennai đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, nhưng các khu vực khác nhau ở Ấn Độ cũng đang trải qua căng thẳng về nước mãn tính", ông Shashi Shekhar - cựu Bộ trưởng Tài nguyên nước của Ấn Độ, cho biết trong báo cáo.
"Ấn Độ có thể quản lý rủi ro nước với sự trợ giúp của dữ liệu đáng tin cậy và mạnh mẽ liên quan đến lượng mưa, nước ngầm và bề mặt để phát triển các chiến lược tăng cường khả năng phục hồi. Aqueduct có thể giúp xác định và ưu tiên các rủi ro về nước ở Ấn Độ và trên toàn thế giới".