Cứ đến hẹn lại lên, mỗi khi kỳ thi học kỳ kết thúc là nhiều phụ huynh lại đưa những thành tích nổi bật của con họ lên mạng xã hội.
Nhiều người cho rằng, với những bạn học sinh có thành tích cao thì việc làm này nhằm nêu gương cho các học sinh khác theo đó mà phấn đấu.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc phụ huynh khoe bảng điểm của con lên mạng xã hội đã vô tình phạm luật.
Trao đổi với báo chí, thầy Lường Tú Tuấn, cựu giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Bình Long (Bình Phước) cho rằng việc phụ huynh khoe bảng điểm của con lên mạng xã hội sẽ dẫn đến hai hệ lụy:
“Ở những nước có nền giáo dục tiến bộ thì thành tích học tập của học sinh là bí mật cho nên nhà trường và gia đình không được phép công khai thành tích học tập của con em mình. Ở Việt Nam, việc phụ huynh hoặc nhà trường chia sẻ thành tích của học sinh sẽ dẫn đến hai hệ lụy.
Hệ lụy thứ nhất là nếu công khai thành tích học tập của con em mình thì sẽ vi phạm quyền riêng tư cá nhân.
Hệ lụy thứ hai là đối với những em học sinh chỉ giỏi các môn năng khiếu mà không giỏi các môn văn hóa thì việc công khai này sẽ vô tình ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Nó khiến các em cảm thấy tự ti với chính bản thân mình, các em sẽ cho rằng những năng khiếu về bơi lội, về bóng đá, về mỹ thuật của mình chẳng là gì cả.
Từ đó học sinh sẽ có xu hướng chạy theo những chuẩn mực của người lớn mà bỏ mặc những năng khiếu của bản thân mình vì nếu không các em sẽ không được thừa nhận”.
Theo thầy Tuấn, việc coi trọng thành tích là nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh khoe điểm của con em mình lên mạng xã hội.
“Việc phụ huynh công khai thành tích của con em họ lên mạng xã hội chỉ là để ganh đua ngầm với những phụ huynh khác. Trong cuộc ganh đua này thì học sinh chỉ là công cụ để người lớn thỏa mãn cảm xúc cá nhân.
Nguyên nhân của việc ganh đua này bắt nguồn từ giáo dục chỉ coi trọng thành tích, coi trọng điểm số các môn văn hóa mà quên mất việc phát triển những phẩm chất và năng lực sẵn có của học sinh.
Điều đó dẫn đến là nhà trường vẫn công khai điểm số của học sinh, thậm trí sẵn sàng phê bình những học sinh có điểm kém trước lớp hoặc trước toàn trường”.
Thầy Tuấn cho biết, để khắc phục tình trạng này thì ngành giáo dục cần phải thay đổi cách đánh giá.
“Ở Việt Nam, chúng ta vẫn chỉ dựa vào thành tích của các cuộc thi, các kỳ kiểm tra để đánh giá.
Chính vì vậy mà nhà trường và gia đình buộc phải chạy theo các thành tích này để đánh giá học sinh. Từ đó dẫn đến hệ quả là nhà trường công khai điểm số của học sinh, phụ huynh công khai điểm số của con em mình bởi vì chỉ có công khai mới có thể đánh giá được học sinh này với học sinh kia.
Nếu bây giờ ngành giáo dục không lấy thành tích làm mục tiêu theo đuổi nữa thì nhà trường cũng sẽ không còn nặng nề với học sinh về chuyện thành tích nữa, phụ huynh cũng sẽ không còn nặng nề với con em mình về chuyện thành tích nữa”, thầy Tuấn nhấn mạnh.
Thầy Tuấn cho rằng, “chính phụ huynh cũng đã từng đi học trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Đã có nhiều cuộc cải cách nhưng chúng ta đều thấy rằng, giáo dục vẫn lấy thành tích, lấy các con số làm thước đo chất lượng.
Rõ ràng nhận thức của phụ huynh được mang tới bởi môi trường giáo dục cho nên cách hành xử của họ như hiện nay cũng không có gì khó hiểu cả. Nói cách khác, trong vấn đề này thì phụ huynh cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội trọng bằng cấp, thành tích, điểm số vẫn là thước đo chính”.