Nhiều vấn đề đáng lo ngại
Cuối tuần qua, Sở GDĐT TP HCM công bố khảo sát do Phòng Chính trị tư tưởng thuộc Sở thực hiện về một số vấn đề HS đang gặp phải trong học tập. Khảo sát được thực hiện từ ngày 20/12/2018 đến ngày 10/1/2019 tại 150 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tham gia khảo sát gồm 74 trường THPT, 34 trường THCS, 8 trường tiểu học và 34 cơ sở giáo dục khác (gồm mầm non, trường tư thục, trung cấp, cao đẳng).
Kết quả cho thấy có 7,8% HS bỏ học; 21,1% HS có nguy cơ bỏ học; 31% HS bị căng thẳng. Ngoài ra, có đến 53,8% HS thể hiện không có động lực học tập.
Về thống kê các hành vi lệch chuẩn, chiếm đa số trong các hành vi lệch chuẩn là tình trạng HS nghiện game và internet (41,5%), kế đến là vi phạm nội quy trường học (40,2%). Đáng chú ý, có đến 6,5% HS sử dụng chất gây nghiện, 5,7% HS vi phạm pháp luật, 2,8% HS từng phá thai, 0,8% HS từng có hành vi hủy hoại bản thân.
Mặt khác, trước nguy cơ bạo lực học đường và xâm hại đang lan rộng, khảo sát cho thấy có đến 30% HS từng bị xâm hại trên môi trường mạng (đăng hình, thách thức, bêu xấu, hù dọa... thông qua mạng xã hội); 24,6% bị bắt nạt, hiếp đáp; 20,8% bị xâm hại tinh thần (chửi rủa, xúc phạm, bêu xấu...).
Khảo sát cũng chỉ ra một số nguyên nhân xuất phát từ bản thân HS, môi trường học tập, môi trường xã hội, gia đình và do thiếu các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ trong nhà trường.
Thiếu động lực học tập
Có thể nhận thấy công thức của những người thành công trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều gắn liền với niềm đam mê. Thiếu đi đam mê thì việc học tập hay chơi thể thao, làm việc sẽ đều cảm thấy khó khăn và khó đạt thành tích tốt nhất.
Ông Nguyễn Thành Nam - người sáng lập UNiX, trường đại học online đầu tiên của Việt Nam kể lại câu chuyện của chính mình khi vẫn còn trên ghế nhà trường. Ông từng là HS trường chuyên, lớp chọn được cả bố mẹ và thầy cô yêu mến. Dù là niềm tự hào của gia đình và nhà trường song ông cũng trải qua không ít áp lực và khổ hạnh. Sau này, ông đã từ bỏ kiến thức của những năm tháng du học ở Nga để làm những điều mới mẻ mà ông thích sau khi về nước.
Chia sẻ thêm, ông Nam cho rằng hiện nay, nhiều phụ huynh ép con đi trên con đường mà các em không muốn nhưng cũng không dám từ bỏ.
Bên cạnh đó là việc tạo áp lực học tập cho con khi đặt lên con những kỳ vọng quá khả năng con có thể đạt được khiến HS đâm ra chán nản, không thích, thậm chí là “sợ” học… Khi đã sợ rồi thì chắc chắn HS không thể tìm thấy niềm vui trong việc học tập.
Cô giáo Hoàng Phương Ngọc (Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo “Áp lực giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” được tổ chức mới đây: “Bên cạnh những HS chăm chỉ, ngoan ngoãn thì còn có những HS chỉ học tập ở mức trung bình. Nếu giáo viên dạy ở mức quá cao các em lại không hiểu. Có những em cá biệt về tính cách, về hoàn cảnh. Trong một lớp học với nhiều trình độ HS, nhiều đặc điểm riêng như vậy, giáo viên chịu nhiều áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng, vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm lý, và phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm. Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn phải như chuyên gia tâm lý, lại phải như cha mẹ các em”.
Không ít vụ bạo lực học đường xuất phát từ phía người thầy đã xảy ra thời gian qua. Cô không say mê dạy, trò không say mê học thì bảng điểm đẹp, những lời nhận xét có cánh sẽ chỉ để đối phó với bệnh thành tích của ngành giáo dục.
Nhà trường “gỡ khó” cho HS
Xã hội hiện đại với nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực lên mỗi HS. Nhu cầu được chia sẻ, được định hướng, thậm chí là có người lắng nghe mình nói về các vấn đề của bản thân là một nhu cầu chính đáng của HS. Một khảo sát khác của Bộ GDĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy: khoảng 80% HS có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư ở trong trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Do đó, vai trò của tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Chỉ tiếc trên thực tế hoạt động này chưa thực sự được quan tâm.
Trên thực tế, vai trò của phòng tham vấn học đường lâu nay đã được đặt ra, Bộ GDĐT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung này; gần đây nhất là Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông” có hiệu lực từ ngày 2/2/2018. Tuy nhiên, khó khăn về mặt nhân lực đủ trình độ chuyên môn vẫn là bài toán khó với các trường khi biên chế chưa có. Hầu hết các nhà trường hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý mà chủ yếu là giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm. Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số khác là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lí hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như Phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tham gia.
Mặc dù hàng năm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn tư vấn trên thực tế của đội ngũ này.
Để khắc phục tình trạng này, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GDĐT) cho biết: Trong thời gian tới, yêu cầu 100% các giáo viên tham gia tư vấn tâm lý được bồi dưỡng chương trình chuẩn do Bộ GDĐT qui định. Các trường đào tạo tâm lý giáo dục có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các chính sách khác; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng…