Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định kỳ thi và tuyển sinh sẽ được giữ ổn định cơ bản đến năm 2020. Tuy nhiên, năm nay sẽ có những thay đổi nhỏ để khắc phục những bất cập tồn tại trong những kỳ thi, tuyển sinh vừa qua.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, trong tuần tới, Bộ sẽ thông tin công khai dự thảo quy chế thi, tuyển sinh để lấy ý kiến xã hội về những thay đổi về một số nội dung. Trong đó, đề thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ phục vụ cho mục đích chính là đánh giá quá trình học phổ thông và trước hết là để xét tốt nghiệp, không đặt nặng mục đích phân loại thí sinh để các trường tuyển sinh. Các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh, trong đó có thể chọn phương án dùng kết quả thi làm cơ sở để tuyển sinh hoặc kết hợp nhiều phương án tuyển sinh theo đặc thù từng trường để tuyển sinh.
Dự kiến điểm xét tốt nghiệp cũng thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ điểm thi trung học phổ thông quốc gia. Trong đó điểm thi trung học phổ thông quốc gia chiếm 70% và 30% là điểm kết quả học bạ phổ thông (thay vì tỷ lệ 50% - 50% như năm trước).
Học sinh đặt câu hỏi liên quan đến các quy định về kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và hướng chọn ngành, nghề. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN |
Về quy chế thi, các thí sinh tự do, thí sinh hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên khi đăng ký dự thi sẽ thi chung, không bố trí phòng thi riêng như những năm trước. Học sinh giáo dục thường xuyên nếu có bằng trung cấp nghề nghiệp, chứng chỉ chứng nhận nghề nghiệp, dự thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ được cộng điểm ưu tiên, tùy vào xếp hạng bằng, chứng chỉ sẽ được cộng từ 1 điểm - 2 điểm.
Về quy chế tuyển sinh, dự kiến năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định điểm “sàn” đại học với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển trình độ đại học vào nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, theo hình thức xét học bạ cần có học lực lớp 12 đạt loại giỏi; còn thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia thì không cần điều kiện này, vì đã quy định điểm “sàn”. Bộ vẫn đang lấy ý kiến các bên liên quan và chưa có quyết định chính thức về nội dung này. Như vậy, năm nay có 2 nhóm ngành sức khỏe và giáo viên sẽ có điểm “sàn” chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Thông tin về định hướng giáo dục nghề nghiệp, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, thực hiện mục tiêu Đề án phân luồng hướng nghiệp sau trung học phổ thông với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được tập trung đầu tư với nhiều trường, ngành trọng điểm. Kết quả năm học vừa qua cho thấy, nhiều trường nghề có 80-90% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay, với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng. Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn học đại học nếu các em có đủ năng lực, kiến thức, các em cũng có nhiều lựa chọn với nhiều trường nghề với cơ hội việc làm khá tốt.