Chờ sự kiện để…thức giấc
Suốt từ đầu năm đến nay, bước qua mùa COVID-19, khi khách du lịch quốc tế vắng bóng, các không gian văn hóa càng trở nên “cô đơn”. Hình ảnh quen thuộc ở nhiều khu di tích trên địa bàn Hà Nội là những lối vào hiu hắt, phòng vé thưa thớt người, hướng dẫn viên du lịch vật vờ trước cổng…
Chỉ đến khi Hà Nội có ngày lễ kỉ niệm, khu di sản cùng các khu di tích, bảo tàng mới rộn ràng được “thức giấc”. Mới đây nhất, kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, nhiều cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, tôn vinh những lớp người đã đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập, tự do của dân tộc.
Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày, giới thiệu lịch sử tới công theo chủ đề “Chắp cánh ước mơ”, ngay phần mở đầu là những hình ảnh, hiện vật, tư liệu với chủ đề “Ký ức mùa khai trường”.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng nhộn nhịp không kém với không gian trưng bày “Ngày Độc lập 2/9” với hơn 150 tài liệu, hiện vật, những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử.
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng rộng cửa đón khách với hơn 100 tài liệu, hình ảnh mang chủ đề “Độc lập”, kể lại câu chuyện độc lập của dân tộc ta xuyên suốt chiều dài lịch sử bằng những hình ảnh sống động.
Những ngày này, khi Thủ đô đang rộn ràng kỉ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mới lại bận rộn với đủ hoạt động diễn ra trong khuân viên di sản. Khu di sản liên tục có bước chân du khách khi diễn ra nhiều hoạt động kỉ niệm ý nghĩa: Hội sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2020 với chủ đề Hội sách “Văn hiến Thăng Long - Hà Nội” tại Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long, từ ngày 30/9- 4/10/2020; Liên hoan du lịch Làng nghề, phố nghề 2020 tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long từ ngày 9/10- 14/10/2020.
Cùng với Hoàng thành Thăng Long, các không gian văn hóa trên địa bàn Hà Nội cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động hút khách như Liên hoan văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2020 tại công viên Thống nhất, từ ngày 16/10 - 18/10/2020, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại Tuần lễ văn hóa khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (từ ngày 03/10- 11/10/2020…
Bấy lâu nay, rất nhiều di sản, di tích trở thành nơi tổ chức sự kiện để mong hút khách du lịch, từ khu di sản Hoàng Thành Thăng Long đến Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học… Nhưng sau những sự kiện bề nổi, di sản, di tích… lại im lìm, lặng lẽ giữa dòng người tất tả ngược xuôi trên các tuyến phố.
Cửa Bắc, Hoàng Thành Thăng Long. |
Bài toán khó cần sự hài hòa
Lý do nào đã đẩy các không gian di sản, những giá trị văn hóa xưa cũ vào cuộc sống “đơn độc” giữa nhịp sống bận rộn hôm nay? Từ góc nhìn chuyên môn, ThS.KTS Nguyễn Thị Hồng Diệp - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, di sản đô thị vốn không phải đơn độc một công trình. Nó nằm trong một hệ cấu trúc cảnh quan. Bản thân công trình ấy có giá trị về vật thể. Ví dụ hình hài của nó là kiến trúc những năm bao nhiêu? Hình hài điêu khắc của nó thể hiện như thế nào? Kèm theo là các trang thiết bị của công trình kiến trúc ấy. Rồi công trình kiến trúc ấy nó được đặt án ngữ thế nào, tầm nhìn ra sao? Nó có nhiều cấp độ.
Cột Cờ Hà Nội |
“Ngày xưa, ông cha ta đặt các công trình không phải vô tình mà đều có ý nghĩa. Nó không đơn giản là cái nhìn trước và sau của công trình. Có khi cách đó một cây số là con sông, hai cây số là núi… điều này thuộc về cấu trúc đô thị. Cấu trúc gần hơn như trước nhà hay có bình phong, phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối…
Ngày xưa có những ngôi chùa rộng hàng nghìn mét vuông, nhưng nay xung quanh chùa là nhà hết. Nhưng cái gần khu di tích ấy nhiều khi làm mất hết ý nghĩa về phong thủy, về cấu trúc cũ mà bản thân nó vốn có do ông cha ta nghiên cứu, sắp đặt... Dần dần không gian di sản bị giới hạn lại, thậm chí có cái còn mất đi…”.
Bà Diệp thừa nhận, di sản “cô đơn” là vấn đề nhiều nước gặp phải chứ không riêng gì Việt Nam. “Phú quý sinh lễ nghĩa, người ta còn mải lo cơm áo gạo tiền, còn chưa kịp nhìn những thứ xung quanh, chưa kịp nhìn những giá trị mà cha ông để lại. Khi người ta có cuộc sống đầy đủ hơn, lúc ấy người ta mới quay ra bảo tồn, gìn giữ những giá trị di sản.
Hầu như là vậy. Tuy nhiên, có những đất nước như Bhutan chẳng hạn, dù họ nghèo nhưng việc gìn giữ di sản giống như ngay từ khi sinh ra họ đã nghĩ tới di sản ấy rồi. Việc bảo tồn và phát triển nó tự nhiên như hơi thở của họ vậy. Nó là ý thức hệ. Nó tùy thuộc vào nhịp độ sống của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và rộng hơn là mỗi khu vực.
Bản chất con người khi sống hài hòa, ổn định tất cả cấu trúc thì mọi thứ xung quanh người ta nghĩ tới cái hài hòa. Mà không chỉ mỗi di sản. Di sản rất tổng quan, nó vừa là kiến trúc, vừa là cấu trúc, vừa là vật thể, vừa là phi vật thể” - bà Diệp nói.
Bà Diệp cũng nói thêm, hai mục đích bảo tồn và phát triển di sản, di tích lịch sử… bao giờ cũng có mâu thuẫn. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải vấn đề. Việt Nam là nước phát triển sau nên đang tìm hướng đi phù hợp. Mỗi nước, thậm chí mỗi một đô thị sẽ tìm ra một hướng đi khác nhau và hiệu quả nhất.
“Mỗi một đô thị ôm trong mình rất nhiều di sản. Chỉ riêng Hà Nội đã có hơn nghìn biệt thự pháp cổ, chưa nói tới làng cổ. Mà mỗi một lĩnh vực có chủ trương đường lối khác nhau. Về cơ bản, muốn con người tiếp cận di sản và di sản tiếp cận con người một cách hài hòa thì bản thân di sản cũng cần mở ra để con người vào. Bản thân con người cũng tiếp cận di sản hài hòa, chứ không phải sấn sổ vào di sản hay di sản thờ ơ với con người thì di sản và con người không bao giờ “bắt tay” nhau được.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với khu trưng bày “Ngày Độc lập 2/9” |
Bài toán này lúc nào cũng cần sự hài hòa. Nó cần cơ chế chính sách và cần nhận thức của cộng đồng, nhận thức của các nhà quản lý, nhận thức của các chủ đầu tư. Có như vậy thì mới đưa dược di sản gần với con người hơn mà vẫn đảm bảo được nhiệm vụ bảo tồn di sản. Sống cùng di sản cũng là một cách, để đưa di sản vào gần với cuộc sống con người hơn” - KTS Nguyễn Thị Hồng Diệp chia sẻ quan điểm.
Trên thực tế, hầu hết di sản, di tích hiện nay lựa chọn cách “sống” bằng việc tổ chức sự kiện. Theo bà Diệp, đây là một cách khéo léo đưa con người tiếp cận di sản.
“Mình vừa làm sống động di sản, vừa tạo được kinh tế trong việc quảng bá di sản đó. Việc này nó cần sự hợp tác của nhiều bên. Như nhà nước đưa ra quy chế, chính sách, chủ trương, chủ đầu tư đầu tư vào và kèm theo lợi nhuận đi kèm. Ví dụ như mở các không gian dịch vụ bên cạnh.
Và bên cạnh đó, mình cũng phải khéo trong tổ chức sự kiện bởi nếu ý thức người tham gia kém, chỉ vì cái lợi trước mắt, theo kiểu “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”, di tích lại trở nên tàn phế hơn. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng chủ động của các bên thực hiện. Rõ ràng, nếu có hoạt động con người thì di tích sẽ sống lại. Và nếu biết cách tổ chức sự kiện thì cái được sẽ nhiều hơn cái mất, về mọi mặt” - bà Diệp khẳng định.