Dấu ấn lịch sử ẩn sâu trong đất
10 năm trước, bà Irina Bokova khi đó là Tổng Giám đốc UNESCO đã trao Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho UBND thành phố Hà Nội. Tất cả các nhà khoa học trong và ngoài nước đều đánh giá, đây là khu di tích đặc biệt quan trọng, duy nhất ở khu vực châu Á đạt tầm thế giới, sánh ngang với những khu di tích kỳ vĩ như Roma (Italy) và Athens (Hy Lạp). Đặt tương quan với Cố Cung của Trung Quốc có số tuổi 850 năm hay kinh đô Nara của Nhật Bản 750 năm tuổi thì Hoàng thành Thăng Long là một Di sản thế giới lâu đời và đặc biệt.
Giá trị nổi bật toàn cầu của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi nhận ở ba tiêu chí: Chiều dài lịch sử, tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú. UNESCO khẳng định: “Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo...”.
Trải qua một chuỗi thời gian và biến cố, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía năm xưa đã không còn nữa, nhưng hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn các di vật độc đáo được phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành vẫn là di sản vô cùng quý giá. Mới đây nhất, vào tháng 4/2020, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã công bố “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2019”.
Đây là kết quả đợt khai quật thăm dò do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành theo khuyến nghị của UNESCO, chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Quyết định số 2406/QĐ-BVHTTDL ngày 10/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đợt khai quật thăm dò thực hiện, trên tổng diện tích gần 990m2 thuộc khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên với 1 hố khai quật, 3 hố thám sát.
Quá trình khai quật tiếp tục làm xuất lộ các tầng văn hóa, dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, Lê Trung hưng, Lê sơ, Trần, Đại La và nhiều loại hình hiện vật thời tiền Đại La, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Mạc, Lê Trung hưng, củng cố thêm cơ sở khoa học quan trọng về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích tại khu vực.
Những bằng chứng này càng khẳng định rõ nét những giá trị to lớn về văn hóa lịch sử và khoa học của khu di tích đặc biệt quan trọng này, đặt ra vấn đề cho lực lượng chức năng làm sao để phát triển cũng như bảo tồn khu di tích một cách hiệu quả nhất? Làm sao “kéo” được nhiều du khách đến với khu trầm tích nghìn năm văn hiến này?
Xây dựng thương hiệu cho Hoàng thành Thăng Long
Qua nhiều năm nay, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai mạnh mẽ để Hoàng thành Thăng Long đến gần công chúng hơn như chương trình giáo dục di sản “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản” ở các trường học. Nhiều hoạt động khác như sưu tầm tư liệu, hiện vật, mở cửa căn hầm Cục Tác chiến; cải tạo cảnh quan khu vực Hậu Lâu, trồng các loại hoa theo mùa để thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh… cũng được đẩy mạnh triển khai. Nhờ vậy, lượng khách tham quan Hoàng thành Thăng Long không ngừng tăng qua từng năm.
Thống kê của ban quản lý, năm 2013 (bắt đầu bán vé tham quan) mới có khoảng 120.000 lượt khách, năm 2016 số lượng khách đã tăng lên 245.321 lượt, thu phí 5,58 tỷ đồng. Đến năm 2019, lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long đạt 517.476 lượt, thu phí hơn 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượt khách chỉ khai thác được khoảng 20% tiềm năng mà các chuyên gia Pháp đưa ra.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Hoàng thành Thăng Long là điểm sáng nổi bật nhất trong số di sản thế giới đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Di sản này được bảo tồn và phát huy giá trị đúng hướng, ưu tiên mục tiêu bảo vệ, bảo tồn hơn mục tiêu khai thác, trong khi các di sản khác lại chú trọng đến việc phát triển du lịch khiến tính bền vững của di sản bị đe dọa.
Cho tới nay, kế hoạch quản lý du khách và phát triển du lịch của Hoàng thành Thăng Long tương đối hợp lý ở góc độ hạn chế các sản phẩm có xu hướng giải trí, thương mại hóa, ưu tiên các hoạt động giáo dục lịch sử - văn hóa và những hoạt động có tính kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long với các làng nghề và vùng đệm của Hà Nội. Đấy là cách tiếp cận mang tính bền vững.
Không chỉ tiếp cận bền vững, gần đây, công nghệ 4.0 cũng đã được dần đưa vào Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu 3D về di tích, di vật, diễn giải các dấu tích kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long để phục vụ công tác nghiên cứu… Dẫu vậy, kỳ vọng về một lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long nhiều hơn vẫn còn là thách thức khi các giải pháp vẫn ở mức chung chung.
Nói như nhiều hướng dẫn viên, những tiện ích như dịch vụ mua sắm đồ lưu niệm, chụp ảnh với đồ cổ trang, quán cà phê hoặc ăn trưa nhẹ… cần được quan tâm hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa để Hoàng thành Thăng Long có thể dễ dàng kết nối với các tour du lịch tại Hà Nội, đưa du khách đến gần di sản hơn.