Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản hiện chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 60,6%. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, một số ngân hàng thời gian qua đã có động thái thông báo dừng cho vay bất động sản. Các kênh huy động vốn khác cho bất động sản như kênh trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã bộc lộ nhiều lỗ hổng bất cập cần điều chỉnh và hoàn thiện.
Việc kiểm soát nguồn vốn vào thị trường bất động sản được nhận định sẽ có nhiều tác động, hệ luỵ, thậm chí lo ngại sẽ có “tác động ngược”. Cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản lo lắng sẽ lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động. Giá nhà đất có thể leo thang và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm.
Chia sẻ tại toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp đề xuất kiến nghị việc kiểm soát nguồn vốn nên có lộ trình, có rà soát đối với dự án đủ điều kiện pháp lý, đúng tiến độ. Không nên thực thi chính sách siết nguồn vốn vào bất động sản theo kiểu “giật cục” và “đánh đồng” tất cả các dự án sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói riêng và ảnh hưởng dây chuyền để cả hệ thống nền kinh tế nói chung.
Các chuyên gia cũng nhận định, việc kiểm soát tín dụng cứng nhắc, không hợp lý sẽ tiếp tục làm trầm trọng hơn sự mất cân đối cung – cầu bất động sản.
“Một thực tế mà thị trường phải đối mặt là nguồn cung thời gian qua không tăng, càng ngày càng thiếu hụt nhưng nguồn cầu của thị trường lại liên tục tăng lên, không hề suy giảm… Việc nguồn vốn không thể chảy vào thị trường bất động sản sẽ làm trầm trọng hơn thực tế đáng lo ngại này, gây ra các bất ổn thị trường, đặc biệt là giá bất động sản liên tục tăng cao. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản cũng sẽ khiến các dự án đang triển khai có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường giảm, nợ xấu theo đó tăng, giảm đà phục hồi kinh tế… Ngoài ra, doanh nghiệp, thị trường lo lắng, các chủ đầu tư có tâm lý lưỡng lự triển khai đầu tư dự án. Do đó, việc kiểm soát tín dụng là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải kiểm soát hợp lý”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực phân tích.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) Bộ Xây dựng cho rằng: “Thời gian qua thị trường bất động sản lại ghi nhận việc phát triển nóng. Đất nền tăng, có nơi tăng nóng, lên tới 70-100% trong thời gian ngắn. Thị trường ghi nhận giao dịch bất động sản tăng cả ở sơ cấp và thứ cấp, cho thấy nhu cầu về nguồn vốn rất lớn.Việc kiểm soát tín dụng là hợp lý và cần thiết. Dòng vốn bất động sản cần được kiểm soát và nên ưu tiên dòng vốn cho các dự án đang triển khai, đặc biệt dự án có mức giá vừa phải để thúc đẩy nguồn cung, đặc biệt là dòng vốn cần được ưu tiên để đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng nhận định: cần các giải pháp nhằm đảm bảo quan hệ cung cầu lành mạnh cần đi theo hướng bền vững như quy định đảm bảo tỉ lệ trả nợ không quá 50% thu nhập, tỉ lệ cho vay không quá 85% như Singapore đã vận dụng, để doanh nghiệp khơi thông thị trường, đảm bảo hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung nhằm giải quyết bài toán nhà ở cho người dân”.
Nhận định việc siết tài chính tín dụng đối với BĐS chắc chắn sẽ có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh BĐS song ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoRea vẫn bày tỏ, rất tán thành lộ trình siết chặt vốn tín dụng ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2023 các ngân hàng TM chỉ được sử dụng 30% vốn cho vay tín dụng BĐS). Bởi trên toàn thế giới cũng đã làm như vậy, tuy nhiên họ đã có quỹ đầu tư BĐS để xã hội hóa nguồn vốn cho BĐS( 2 loại quỹ đầu tư BĐS). Tuy nhiên ở Việt Nam mới có 1 quỹ đầu tư BĐS của ngân hàng Techcombank, tuy nhiên nguồn vốn còn rất ít( khoảng 50 tỷ). Do đó nguồn quỹ BĐS rất non trẻ và mỏng như vậy gần như không có tác động.
”Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước lân cận đang làm là hỗ trợ tín dụng cho thị trường BĐS, cấp tín dụng cho chủ đầu tư BĐS, cấp tín dụng cho đối tượng người dân, các nhà đầu tư thứ cấp( trong đó có nhiều NĐT mua nhà để cho thuê, phát triển dịch vụ). Nhà nước không nên thắt chặt thị trường BĐS mà nên kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp, đối tượng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích”, ông Châu nói. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần xem xét sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kiểm soát chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian vừa qua hoạt động này chưa đánh giá được năng lực thực sự của doanh nghiệp, không đánh giá được doanh nghiệp nên có tình trạng phát hành trái phiếu lừa đảo nhà đầu tư. Cần thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS tuy nhiên do 2 năm qua ảnh hưởng Covid nên có thể kéo dài đến năm 2023.
“Chúng tôi cho rằng việc chúng ta có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là cần thiết nhưng mà nên cần giảm tiến độ này cho đến cuối năm 2023 đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chúng ta rà soát lại sửa đổi các quy định phát luật để việc phát hành trái phiếu một cách chặt chẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các nhà đầu tư và để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cái lỏng lẻo trong phát hành trái phiếu để trục lợi thậm chí để lừa đảo thì điều này chúng ta không đi từ cực đoan này đến cực đoan khác mà chúng ta cần phải có chính sách một cách tỉnh táo để chúng ta tiếp tục cung ứng nguồn vốn tín dụng ở mức độ cần thiết cho thị trường bất động sản, cho những nhà đầu tư có năng lực”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.