Giai đoạn 2018 – 2020, Kiên Giang đã phục vụ 21,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,48 triệu lượt.
Tính đến cuối năm 2022, Kiên Giang đã đón tiếp hơn 7,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước (trong đó, hơn 7,3 triệu lượt du khách trong nước và hơn 223 lượt du khách quốc tế), doanh thu đạt hơn 10.585 tỷ đồng.
Riêng Phú Quốc đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, hơn 218 ngàn lượt du khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 8.487 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Kiên Giang ước đón tiếp hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, 2 triệu lượt du khách trong nước và hơn 207 ngàn lượt du khách quốc tế), doanh thu đạt hơn 5.364 tỷ đồng tăng 198,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng thành phố Phú Quốc đón hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó hơn 204 ngàn lượt du khách quốc tế, tăng 808,9% so với cùng kỳ năm 2022), doanh thu đạt hơn 4.527 tỷ đồng, tăng 286,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Du lịch Kiên Giang đã ngày càng khẳng định là ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và của ngành du lịch cả nước nói chung, đã từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ngành.
Ngành du lịch Kiên Giang có được kết quả trên trước hết là nhờ có nguồn tài nguyên đa dạng, hấp dẫn từ đồng bằng, rừng núi, biển và đảo; là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; với bờ biển dài hơn 200 km; vùng biển rộng trên 63.000 km2; có 5 quần đảo với hơn 143 đảo lớn nhỏ, đảo lớn nhất là Phú Quốc; có 02 cửa khẩu, 02 sân bay...
Kiên Giang với lợi thế có sân bay quốc tế, tổng tuyến bay khai thác là 16 tuyến, trong đó có 9 tuyến nội địa (Phú Quốc 7; Rạch Giá 2) và 7 tuyến quốc tế (Phú Quốc). Khách quốc tế đến Kiên Giang từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu từ các nước có tuyến bay thẳng đến Phú Quốc như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Ba Lan (bay charter),…đặc biệt với chính sách miễn thị thực khách quốc tế.
Đặc biệt, du lịch Phú Quốc phát triển nhanh theo định hướng là khu du lịch quốc gia, là trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế. Các vùng du lịch như: Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải, U Minh Thượng cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, tạo nhiều điều kiện để phát triển.
Để duy trì và phát triển lượng du khách đến Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu, xây dựng nhiều phương án, kịch bản tăng trưởng du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khu vực và cả nước. Từng bước cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch, tích hợp quy hoạch phát triển du lịch vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch; thông thoáng trong xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ- đầu tư phát triển du lịch...
Tại buổi "Kết nối giới thiệu du lịch Kiên Giang" trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế 2023 (VITM 2023) tổ chức chiều 13/4, bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, công tác kết nối du lịch của Kiên Giang trong thời gian qua đã góp phần phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có của tỉnh đến các du khách, đối tác trong và ngoài nước, như: Du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan và mua sắm tại trang trại nuôi trồng và cửa hàng sản phẩm ngọc trai; tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo; trải nghiệm tại các công viên (Cáp treo hòn Thơm; Safari; VinWonder; Phú Quốc United Center; chợ đêm Phú Quốc; công viên lặn ngắm san hô; sản phẩm du lịch tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng…).
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, Kiên Giang cần thực hiện đồng bộ trong phát triển du lịch trong đó cần nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; phát huy vai trò của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch,… các cấp, các ngành cần linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các chính sách về phát triển du lịch, ngày càng đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch.
Bên cạnh đó, phát huy các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có như: Du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch hội nghị cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan và mua sắm tại trang trại nuôi trồng và cửa hàng sản phẩm ngọc trai; tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo; tham quan, trải nghiệm tại các công viên chuyên đề.
Tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch, tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên. Phát triển đa dạng các tuyến du lịch, các loại hình du lịch ven biển, các đảo...