Với tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh ven biển, Trà Vinh đang hướng đến phát triển mạnh du lịch biển để đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu của tỉnh là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với doanh thu vào năm 2025 đạt khoảng 950 tỷ đồng.
Giàu tiềm năng
Trà Vinh là tỉnh Duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Sóc Trăng; nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.
Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biển, sông nước miệt vườn, các cồn nổi ven biển chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản… đặc biệt là du lịch khám phá bản sắc văn hóa của vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với 142 ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo trãi khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc diễn ra quanh năm.
So với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thể nói, Trà Vinh được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn tài nguyên tiềm năng về du lịch rất phong phú, đa dạng, nhất là những danh thắng dọc theo chiều dài hơn 65km bờ biển.
Thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải là hai đơn vị hành chính hiện có nhiều tiềm năng du lịch biển nhất tỉnh Trà Vinh. Ngoài bãi biển Ba Động, nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải có nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng hệ động vật, thực vật đa dạng, gồm các loài: đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, chà là, tôm, cua, nghêu, sò huyết, vọp, chù ụ, kỳ đà, heo rừng, rắn, chồn...
Nơi đây còn có mỏ nước khoáng nóng, với nhiệt nóng 37,5 độ C, rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng.
Tại thị xã Duyên Hải, nhiều công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Khu kinh tế Định An. Đặc biệt, cảng biển đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn và đẹp nhất ở Nam Bộ.
Trà Vinh còn phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo từ lợi thế biển của tỉnh. Đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió; trong đó có 5 công trình điện gió đã vận hành hòa vào lưới điện quốc gia, với 79 trụ tuabin gió trải dài từ vùng biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 320 MW.
Huyện Duyên Hải có nhiều công trình trọng điểm đã và đang được triển khai tại các xã đảo, gồm Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải và thị trấn Long Thành.
Tại đây, tỉnh đã thu hút đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo, với các dự án điện gió; trong đó, Nhà máy điện gió Đông Hải 1 đã đi vào hoạt động có tổng công suất 100MW; 4 dự án điện gió Đông Hải 2, Đông Thành 1, Đông Thành 2, Thăng Long đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Những công trình điện gió gắn kết cùng những cánh rừng ngập mặn ven biển ở các xã Long Vĩnh, Đông Hải và Long Khánh tạo nên cảnh đẹp, không khí thiên nhiên trong lành, dễ “quyến rũ” du khách trong nước và cả khách quốc tế tìm đến tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết tuy giàu tiềm năng, nhưng du lịch tỉnh chưa có bước đột phá, còn thiếu sức hút đối với du khách. Bình quân trong 5 năm gần đây, tổng lượng khách du lịch đến với Trà Vinh khoảng 550.000 lượt người, nhưng chỉ hơn 50 % lượng khách lưu trú và số ngày lưu trú bình quân đạt 2 ngày/người.
Sức thu hút du lịch của tỉnh thiếu mạnh mẽ là do chưa có sự đầu tư tương xứng. Hạ tầng giao thông trên địa bàn còn yếu kém. Công tác quảng bá hạn chế, đội ngũ làm du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp. Số lượng nhà hàng, khách sạn, các điểm dịch vụ bán quà lưu niệm vừa thiếu, vừa không đủ chuẩn để làm hài lòng du khách, nhất là đối với khách nước ngoài. Đây là những ”nút thắt” làm cho du lịch Trà Vinh chưa bứt phá, phát triển mạnh được.
Tập trung đầu tư đồng bộ cho du lịch
Nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt với các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt vùng nông thôn, những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh chủ trương phát triển nhiều mô hình du lịch "thuận thiên" gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hai mô hình phát triển du lịch "thuận thiên" đã và đang được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh Trà Vinh xây dựng là mô hình Cồn Chim và điểm du lịch "tự thân" Cồn Hô, được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm.
Cồn Chim thuộc địa phận xã Hòa Minh, huyện Châu Thành - là một trong 6 xã đảo của tỉnh Trà Vinh. Cồn được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên, có diện tích tự nhiên 62ha, với 54 hộ dân, 202 nhân khẩu đang sinh sống.
Người dân Cồn Chim sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi thủy sản và trồng lúa theo mô hình "con tôm ôm cây lúa," không sử dụng phân thuốc hóa học để bảo vệ môi trường tự nhiên và sức khỏe cộng đồng.
Tỉnh đã có định hướng và đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành kế hoạch tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu đảm bảo đủ năng lực tổ chức các sự kiện về văn hóa, du lịch, thể thao quy mô cấp vùng, quốc gia.
Ngược lại, phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc tăng thu nhập, tạo thêm sinh kế cho nông hộ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh là đến năm 2025, đón hơn 1,7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch khoảng 950 tỷ đồng, chi tiêu bình quân của khách du lịch là 1 triệu đồng/lượt.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đơn vị đã cùng các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hoàn thiện kế hoạch cùng giải pháp để phát triển du lịch. Các giải pháp trọng tâm được tập trung là quy hoạch chi tiết; cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; đầu tư tương xứng cho hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch,...
Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân thị xã Duyên Hải mời gọi đầu tư các dự án du lịch như Khu Du lịch sinh thái rừng đước Nông trường Tỉnh đội, Khu Du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, Khu Du lịch khoáng nóng Duyên Hải. Thị xã Duyên Hải sẽ thu hút đầu tư hình thành 2-3 khu du lịch nghỉ dưỡng biển; đầu tư nâng cao các dịch vụ phục vụ khách gắn với Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc tại khu vực biển Ba Động…
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Tỉnh Trà Vinh cam kết làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến chung sức xây dựng và phát triển ngành du lịch; trong đó tỉnh ưu tiên, ưu đãi cho sự đầu tư phát triển du lịch biển.