Các đội hào hứng tranh tài ... |
Xuất phát từ thực tế Việt Nam là một quốc gia biển với diện tích biển gấp 3 lần diện tích đất liền với khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, đường bờ biển dài trên 3.000km qua địa bàn 28 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở tốp đầu với khoảng 0,3 – 0,8 triệu tấn/năm. 86% lượng rác thải nhựa, tương đương khoảng 15.000 tấn mỗi ngày đang được chuyển vào các bãi rác thải lộ thiên, bãi chôn lấp và thậm chí trong một số trường hợp sẽ thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ hình thức xử lý nào.
Đặt ra bài toán làm sao để giữ môi trường Cù Lao Chàm, Hội An luôn xanh sạch đẹp, chương trình đã nhận được khá nhiều ý tưởng hấp dẫn của người trẻ Việt. Nhóm “Làng chài bình yên” đến từ Halo Hostel, Quy Nhơn, Bình Định đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng “Thu gom rác đại dương bằng tri thức địa phương” - dùng bẫy làm từ ngư cụ cũ, dựa vào sóng, gió và dòng hải lưu để gom rác trôi nổi, kết hợp mô hình du lịch trải nghiệm nhặt rác lặn ngắm san hô, góp phần giảm rác thải nhựa đại dương trên dọc bờ biển và các đảo ở Việt Nam.
Nhóm Green River - tập thể các nhà khoa học trẻ đa bản sắc đến từ các trường đại học ở Việt Nam và Thái Lan lại mang đến chương trình ý tưởng thiết kế và thi công máy thu gom rác tự động trên mặt nước, tiến tới phát triển thành chiếc máy thu gom rác thông minh, áp dụng khoa học - kỹ thuật để thay thế mô hình truyền thống tốn nhiều sức lao động của con người.
...và nhận giải. |
Sinh động hơn, với ý tưởng Bạch tuộc lấy rác nhựa, nhóm Octoplastic đến từ Đại học Bách Khoa TP HCM mang đến chương trình ý tưởng làm gạch nhẹ từ rác thải nhựa. Octoplastic mang đến chương trình ý tưởng làm gạch nhẹ từ rác thải nhựa đại dương, góp phần xây dựng một vùng biển xanh, sạch. Nhóm cũng mong muốn giúp nâng cao được giá trị kinh tế và đời sống của người dân ở khu sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An và hi vọng có thể mở rộng quy mô dự án trong tương lai.
Các nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Đà Nẵng lại thổi ước mong vào một vùng biển sạch vào bạn robot mang tên Biya - một robot đáng yêu có thể nói chuyện cùng mọi người. Nhiệm vụ của Biya là nhắc nhở bạn bảo vệ môi trường, cũng như thu gom và phân loại rác. Đặc biệt, Biya có một sứ mệnh thay đổi nhận thức của con người.
Để cứu đại dương, một thùng rác thông minh cũng có thể phát huy khả năng của mình. Đó là điều mà nhóm Ba cây chụm lại với các thành viên đến từ Đại học Xây dựng, Đại học Ngoại thương Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội khẳng định. Sản phẩm của nhóm là Ebin - thùng phân loại rác thải nhựa có thể tái chế được tại nguồn có hệ thống báo đầy tự động. Ý tưởng tập trung vào việc tách biệt quy trình xử lý rác thải nhựa có thể tái chế và quy trình xử lý rác thải chung, đồng thời xã hội hóa việc quản lý rác, đặc biệt là tái chế rác thải nhựa...
Có tất cả 6 đội tranh tài với nhau. Đến hồi kết, ba nhóm Green River, Storm và Làng chài bình yên giành giải Nhất; trong khi BaChuCa, Octoplastic và Ba cây chụm lại nhận giải triển vọng.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, “Điều chúng ta chứng kiến không phải một cuộc cạnh đua giữa sáu đội để giành giải thưởng mà là một sân chơi để thế hệ trẻ đến với nhau vì một mục đích chung: một đại dương bền vững trong tương lai”.