Chỉ số tụt giảm “không phanh”
Tin tức ghi nhận được tại cuộc họp của UBND TP.HCM, sáng ngày 28/4 cho thấy, người đứng đầu chính quyền thành phố đã tỏ ra bức xúc khi nói về tình hình kinh tế xã hội thành phố trong tháng 4/2016. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói, vừa qua, vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê “Xin Chào” bị cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bình Chánh khởi tố điều tra và truy tố oan đã làm ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường đầu tư, kinh doanh dù thành phố đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM thì vụ việc quán cà phê "Xin Chào" làm thành phố bị ảnh hưởng "ghê gớm"
“Trong khi cả thành phố tập trung xây dựng môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho hộ làm ăn kinh doanh chính đáng phát triển thì vụ việc này tác động rất lớn đến sự nỗ lực của cả thành phố”, ông Phong nói.
Ngoài ra, điều khiến cho ông Phong bức xúc thêm chính là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố theo kết quả thống kế được công bố mới đây thì TP.HCM gần cuối bảng, xếp 47/63 tỉnh thành. Đồng thời, các chỉ số khác cũng tụt hạng thảm hại như sự tham gia của người dân cấp cơ sở ở hạng 57/63); kiểm soát tham nhũng khu vực công, 55/63…Và đặc biệt, chỉ số về tính minh bạch “tụt dốc không phanh”, rớt từ hạng 4 xuống hạng 17 và gộp lại thì có đến 5/6 chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố so sánh, nếu năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố đạt hạng 6 trên cả nước, tụt hai hạng so với năm 2014 (xếp hạng 4). Trong đó, nhiều chỉ số thành phần tụt giảm nghiêm trọng. Và, có chỉ tăng thì lại là chi phí không chính thức tăng từ 42 lên thứ 54!
Còn chỉ số sự hiệu quả quản trị hành chính công, theo ông Phong, dù rằng thành phố đã có nhiều cố gắng nỗ lực nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. TP.HCM chỉ xếp thứ 47/63 tỉnh thành.
Ông Phong cho rằng, Đà Nẵng đã ba năm liền trụ vững ở vị trí số 1. Một số tỉnh thành có sự bứt phá vươn lên rất rõ như Đồng Tháp. Dĩ nhiên là quy mô, số lượng doanh nghiệp và đặc điểm tình hình của thành phố có khác so với các tỉnh, “nhưng kết quả này khiến chúng ta phải suy nghĩ”.
Vị Chủ tịch thành phố yêu cầu từng cơ quan, ban ngành của thành phố phải “đau lòng” trước những cảnh báo này và nghiên cứu để đưa ra giải pháp và quyết tâm thể hiện bằng hành động thực tế để nâng điểm từng chỉ tiêu lên. Vì đây là những chỉ số cảnh báo về môi trường đầu tư của thành phố.
Không sâu sát với dân
Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói, vừa qua có nhiều ý kiến xung quanh việc tiếp dân và cần phải rà soát lại. “Bốn tháng vừa qua, các đồng chí ngồi đây có người nào trực tiếp tiếp dân chưa hay là ủy quyền cho phó chủ tịch”, ông Liêm đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Thành Phong tỏ ra bức xúc khi các chỉ số thống kê về thành phố bị tụt giảm "không phanh"
Chánh văn phòng UBND thành phố cũng cho rằng, dân rất những cán bộ, công chức. Nhưng phải chăng, những cán bộ cấp cơ sở còn chưa đáp ứng được nguyện vọng này của dân? “Cán bộ ta còn thói quen xin - cho, dân xin gì cho nấy, hỏi gì đáp nấy, trong khi lẽ ra cán bộ phải tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình cái mà dân đang cần. Tôi đề nghị coi lại đội ngũ cán bộ thành phố, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở”, ông Hoan nói.
Chây ì
Liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và người dân, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, ông “cảm thấy bực mình” khi nhiều việc liên quan đến vấn đề này. Đích thân ông đã chỉ đạo nhưng các sở ngành vẫn kéo dài không thực hiện. Và, điều này không chỉ gây chậm trễ kéo dài mà còn gây lãng phí và mất niềm tin trong nhân dân
Ông Phong dẫn chứng, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 12.500 căn tái định cư. Sau khi bố trí bàn giao cho quận 2 thì còn khoảng 6.000 căn. Ông đã yêu cầu lập tổ công tác để xem xét, tham mưu hướng phân phối số này. Giám đốc Sở Xây dựng là tổ trưởng tổ công tác, vậy mà gần một tháng trời không thấy trình phương án.
Đánh giá sự chậm trễ này, ông Phong cho rằng, mỗi ngày chậm trễ của dự án Thủ Thiêm sẽ mất nhiều tiền và tiền đó là của dân. “Tôi có cảm giác đó không phải tiền của các anh nên các anh không xót. Nội bộ với nhau mà chúng ta còn hành xử như vậy thì với người dân, với doanh nghiệp còn đến mức nào?” - ông Phong nói gay gắt.
Trong cải cách thủ tục hành chính, theo ông Phong, có những khâu, những việc không mất tiền mà cán bộ cứ ậm ừ, trù trừ kéo dài, viện lý do “chờ nghiên cứu” và dậm chân tại chỗ, tuột sâu. “Tôi yêu cầu các giám đốc sở hãy trực tiếp xắn tay vào, đừng khoán trắng cho cấp phòng ban. Hãy sâu sát cho người dân và doanh nghiệp người ta nhờ!”, ông Phong chỉ đạo.
Trần Nguyên