Ông John Palu Lech, Giám đốc đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Matthews Asia, đánh giá Việt Nam là “ngôi sao” của thị trường cận biên. Dù các thị trường cận biên nhìn chung nhỏ hơn, kém thanh khoản hơn và ít có khả năng tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam đã bắt kịp xu hướng. Trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng gần 9%, lên 10,1 tỷ USD.
Trong khi đó, nhà kinh tế Chua Han Teng thuộc ngân hàng DBS lớn nhất Singapore dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm nay, đáp ứng mục tiêu đề ra. Theo ông, lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chuyển sang giai đoạn được coi là bệnh đặc hữu. Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ, đang phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành nghề. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang gia tăng.
Cũng theo ông Chua Han Teng, Việt Nam đang nổi lên như là một quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và thị phần của Việt Nam có thể sẽ phát triển hơn nữa.
Ngân hàng UOB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó. Dự báo này giả định rằng không có sự gián đoạn nghiêm trọng nào nữa do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Nhìn chung, sự lạc quan được củng cố bởi tăng trưởng GDP thực trong quý II/2022 của Việt Nam cao hơn dự kiến, với mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái – mức cao nhất trong 11 năm và vượt xa ước tính trước đó là 5,9%. Sự phục hồi mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất vốn đã tăng tốc trong quý thứ 4 liên tiếp và sự phục hồi của sản lượng dịch vụ đã tiếp tục lấy lại được vị thế kể từ đợt giảm cuối cùng vào quý III/2021.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Yun Liu đánh giá, dù đạt đà tăng trưởng khả quan, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần lưu ý những rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng, đặc biệt là từ giá năng lượng tăng cao.